"Cứ 10% dân số được truy cập Internet di động thì tương đương với khoảng 0,6% tăng trưởng GDP. Tại Mỹ, cứ 1 USD đầu tư vào broadband thì tạo rao 10 USD lợi nhuận cộng đồng", ông Carl-Henric Svanberg, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ cấp cao Ericsson chia sẻ.
Cũng chính vì thế, chúng tôi hay gọi băng thông rộng như một con đường cao tốc, đại lộ cho tăng trưởng GDP và phát triển bền vững. Nó cũng quan trọng với 1 quốc gia tương đương hải cảng quốc tế, sân bay, hoặc đường cao tốc", ông Carl-Henric Svanberg chia sẻ với phóng viên VietNamNet sau buổi diện kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp về tầm quan trọng của thông tin di động với phát triển bền vững. Người đại diện cấp cao tập đoàn Ericsson cho biết ông rất ấn tượng về những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong phát triển CNTT-VT trong thời gian qua.
- Điều gì gây ấn tượng cho ông khi trở lại Việt Nam lần này?
Ông Carl-Henric Svanberg: Năm 2005, tôi đến Việt Nam lần đầu và các bạn chỉ có khoảng 5 triệu thuê bao di động. Sau 4 năm, con số đó đã lên tới gần 60 triệu. Rất ấn tượng. Sắp tới đây, 3G phát triển ở VN là cơ hội rất lớn cho người sử dụng. Những người không có khả năng truy cập vào mạng cố định sẽ vào Internet một cách dễ dàng và thuận tiện hơn với ĐTDĐ và kết nối 3G.
Có đến 80-90% người dân có khả năng sử dụng tiện ích của thông tin liên lạc, còn lại những đối tượng vùng sâu, xa hay đối tượng thu nhập thấp chưa có khả năng sử dụng tiện ích này. Do đó, chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc đáp ứng số lượng này để xây dựng một xã hội thông tin liên lạc cho tất cả người dân.
Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn cùng nhiều hình thức kinh doanh mới đang được áp dụng. Hiện nay, 3G đang là vấn đề nóng tại Việt Nam, khi quý II năm nay là thời điểm các nhà khai thác mạng tại Việt Nam bắt đầu triển khai công nghệ 3G. Chúng tôi hi vọng chuyến làm việc này là cơ hội để Ericsson chia sẻ những kinh nghiệm của mình để các mạng di động Việt Nam triển khai 3G một cách thành công và hiệu quả.
- Việt Nam còn có nhiều vùng sâu, vùng xa với kinh tế còn khó khăn, liệu người dân nơi đây có cơ hội hưởng những tiện ích công nghệ mới?
- Ericsson đang có dự án làm việc với những làng nghèo ở Châu Phi, nơi người dân thu nhập bình quân ít hơn 1 USD/1 người với tên gọi Làng Thiên niên kỷ. Có một điều thú vị là: ở những nước phát triển, người dân chỉ dành 2% thu nhập để chi tiêu cho thông tin liên lạc. Nhưng ở những nước nghèo thu nhập thấp người dân sẵn sàng chi trả đến 6-7% thu nhập cho nhu cầu này.
|
"Khi cung cấp kết nối ở những vùng nghèo, các nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn vẫn có thể cung cấp dịch vụ và thu được lợi nhuận". |
Mặt khác khi cung cấp kết nối ở những vùng nghèo, các nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn vẫn có thể cung cấp dịch vụ và thu được lợi nhuận. Ở Việt Nam, tôi được biết các thành phố lớn rất phổ cập di động nhưng còn rất nhiều khu vực khó khăn về địa hình tiếp cận, hoặc xa xôi, hoặc hẻo lánh còn rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận những tiến bộ của công nghệ thông tin. Tôi cho rằng đây cũng là những thị trường tiềm năng của ngành Viễn thông và là khu vực Chính phủ khi đầu tư vào sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Vấn đề khó khăn là cung cấp điện và nhiên liệu để vận hành các thiết bị hoặc các máy điều hòa không khí để đảm bảo cho thiết bị hoạt động tốt. Do đó chúng tôi tin rằng những giải pháp giúp tối ưu hóa và giảm thiểu năng lượng điện tiêu thụ và tận dụng năng lượng tự nhiên sẽ giúp giảm rất lớn chi phí cho các nhà cung cấp dịch vụ sau khi họ đã mua thiết bị.
- Việt Nam chuẩn bị cấp 4 giấy phép triển khai mạng di động 3G. Vậy Ericsson đã chuẩn bị những kế hoạch gì trong năm 2009 tại thị trường Việt Nam?
- Sự xuất hiện của công nghệ cũng là cơ hội cho một nhà cung cấp dịch vụ sắp ra mắt thị trường. Hiện tại, thiết bị Ericsson đã có mặt tại tất cả các cấp độ hạ tầng viễn thông Việt Nam. Sự gắn bó lâu dài tạo nên thế mạnh của chúng tôi trong quan hệ đối tác của văn hóa phương Đông và năng lực thật sự đối với sản phẩm công nghệ 2G và 3G tạo nên thế mạnh mang tính phương Tây.
Là đối tác tin cậy của các nhà khai thác mạng 2G, chúng tôi tin tưởng sẽ phấn đấu tiếp tục là đối tác tin cậy khi họ phát triển 3G. Trong giai đoạn đầu triển khai 3G, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nhà khai thác phát triển tối ưu hiệu quả mạng 2G hiện tại bởi vì điều đó sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và sẽ là nguồn mang lại doanh thu chính cho các nhà khai thác để họ hoạt động. Trong năm 2009, vì các nhà khai thác Việt Nam lần đầu tiên vận hành mạng 3G nên chúng tôi sẽ đồng hành với họ trong từng quá trình chuyển đổi từ 2G sang 3G.
Về kế hoạch hoạt động của Ericsson Việt Nam, trong vòng hai năm 2007 tới 2008, đã tăng lên nhanh từ 50 đến 500 nhân viên. Chúng tôi sẽ tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực thành viên nhằm hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Với lĩnh vực quản lý và vận hành mạng cho nhà khai thác, chúng tôi chú trọng đào tạo để dần chuyển giao cho các nhà khai thác tự vận hành. Đó là một bước chuẩn bị rất tốt cho thị trường 3G.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo VietNamNet)