Thứ Sáu, 11/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 30/9/2011 19:1'(GMT+7)

Iran - Mỹ: Nguy cơ đối đầu trên biển

Bản đồ thể hiện các khu vực Biển Đỏ (Red Sea) vịnh Ba Tư (Persian Gulf) và vịnh Aden, những nơi Mỹ e ngại có thể xảy ra va chạm đáng tiếc với Iran.

Bản đồ thể hiện các khu vực Biển Đỏ (Red Sea) vịnh Ba Tư (Persian Gulf) và vịnh Aden, những nơi Mỹ e ngại có thể xảy ra va chạm đáng tiếc với Iran.

Người đứng đầu lực lượng hải quân Iran không úp mở rằng: "Cũng giống việc các cường quốc ngạo mạn đang hiện diện ở gần các đường hải giới của chúng ta, hải quân Iran sẽ có sự hiện diện lớn hơn không xa vùng biển của Mỹ". Ngay sau đó, ngày 28/9, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi khẳng định Iran đã bác bỏ ý tưởng về một "đường dây nóng" quân sự do Mỹ đề xuất nhằm tránh các cuộc đụng độ quân sự không mong muốn trong Vùng Vịnh. Bộ trưởng Vahidi đưa ra tuyên bố trên sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu đường dây liên lạc trực tiếp với Iran có thể dẫn đến những "sai sót nguy hiểm". Trước đó, Lầu Năm góc đã cân nhắc khả năng lập "đường dây nóng" quân sự với Iran vì lo ngại đội thuyền máy cao tốc của Iran thường xuyên hướng tới các tàu chiến của Mỹ và đồng minh hoạt động trong Vịnh Persia. Đội thuyền máy này thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran có thể được trang bị tên lửa.

Tướng Vahidi cho rằng ý đồ của Washington là nhằm giải quyết các nguy cơ đụng độ tại Vùng Vịnh, nhưng Iran tin tưởng sẽ không có căng thẳng xảy ra nếu Mỹ rời khỏi khu vực này. Phía Iran không công khai loại tàu chiến nào và khi nào xuất phát nhưng hồi tháng 2 năm nay, 2 tàu hải quân Iran đã vượt kênh đào Suez. Đó là lần đầu tiên Iran đưa tàu tới Địa Trung Hải kể từ năm 1979, một động thái khiến Israel và Mỹ đặc biệt quan tâm. Gần đây, hải quân Iran đã tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển quốc tế; thường xuyên đưa tàu tới Ấn Độ Dương và Vịnh Aden với lý do bảo vệ các tàu thuyền của Iran trước sự nhòm ngó của cướp biển Somali, vốn hoạt động rất mạnh tại vùng này. Tháng 7 vừa qua, Iran tuyên bố một tàu ngầm lớp Kilo của nước này đã hoàn thành nhiệm vụ tại Ấn Độ Dương. Trước đó một tháng, tàu ngầm lớp Nahang của Iran cũng đã lần đầu tiên xuất hiện tại Biển Đỏ.

Trong bối cảnh Tehran từ chối "đường dây nóng" quân sự song phương, Washington khẳng định không quá quan tâm đến tuyên bố của Iran đưa tàu tới gần các vùng biển của Mỹ. Phát ngôn viên Jay Carney của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: "Chúng tôi không quá chú trọng vào những tuyên bố của Iran, căn cứ vào việc nó không phản ánh điều gì về năng lực hải quân của nước này". Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, những thách thức mà Iran cần quan tâm hơn vào lúc này là giảm nguy cơ xảy ra xung đột hải quân ở Vùng Vịnh; đóng vai trò xây dựng trong tự do giao thương hàng hải tại khu vực cũng như góp phần vào cuộc chiến chống cướp biển ở Vịnh Aden.

Căng thẳng dẫn tới xung đột Mỹ - Iran tại Vùng Vịnh từng xảy ra trong những năm 80 của thế kỷ trước. Trong cuộc chiến Iran - Iraq (1980-1988), hải quân Iran từng đánh chìm một số tàu của phương Tây bị nghi ngờ chở vũ khí cho chế độ Saddam Husein. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng tăng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Những người Mỹ đang nắm quyền lực hiện nay tin rằng, Iran đang đứng đằng sau những khó khăn của họ ở cả hai mặt trận Afghanistan và Iraq. Không thể phủ nhận Iran có vai trò nhất định trong vấn đề Israel - Palestine nói riêng và Trung Đông nói chung. Đây là thách thức chiến lược trong chính sách can dự hiện đại của Mỹ với toàn bộ lục địa Á-Âu.

Trong quá khứ, giới chức quốc phòng Mỹ từng có các cuộc tiếp xúc hải quân với Iran nhưng giờ đây tất cả đã bỏ ngỏ. Trước nguy cơ đối đầu trên biển, lựa chọn của Mỹ nhằm tránh một cuộc xung đột với Iran là khôn ngoan. Iran nắm giữ eo biển Hormuz, tuyến trung chuyển dầu duy nhất ở Vùng Vịnh, mỏ dầu của thế giới. Nếu xung đột xảy ra, Iran sẽ không ngần ngại đóng cửa eo biển Hormuz, nơi luân chuyển hơn 25% lượng dầu mỏ của thế giới; sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung dầu của Mỹ ở Vùng Vịnh. Hơn thế nữa, cuộc xung đột đó sẽ biến cuộc chiến Iraq mà nước Mỹ đã tốn không ít tiền bạc và nhân mạng thành vô nghĩa./.

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất