(TCTG)- Nếu Mỹ không tấn công Iran, các nước khác, nhất là Ixraen sẽ thực hiện điều này.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã so sánh cuộc tranh cãi về vấn đề hạt nhân Iran với cuộc khủng hoảng tên lửa của Cuba năm 1962, một cách để nhấn mạnh quyết định của Mỹ bắt chế độ Iran phải phục tùng. Bà Clinton đã khẳng định trước Hạ viện Mỹ: “chúng tôi cam kết thực hiện một chính sách ngoại giao tăng tốc, đúng với chính sách đã triển khai trong giai đoạn của Tổng thống Kennedy”.
Tháng 10/1962, Tổng thống Mỹ John Kennedy (1961-1963) phát hiện Liên Xô chuẩn bị triển khai các tên lửa đạn đạo tại Cuba, gần bờ biển với Mỹ. Bà Clinton đã nhấn mạnh: “đó là một chính sách ngoại giao căng thẳng”. Bà liệt kê các hành động được thực hiện lúc đó “phải làm tất cả để cộng đồng quôc tế hiểu rõ, đi tới Liên Hợp Quốc, đưa ra các bằng chứng, hướng công luận quốc tế chống lại việc đưa các vũ khí của Nga tới Cuba. Cuối cùng đã đạt được thoả thuận, theo đó, Nga rút toàn bộ số vũ khí trên về nước”. Với Iran, việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang được tiến hành.
Chúng ta hãy phân tích kỹ tình hình: Tổng thống Barack Obama sẽ không ném bom Iran. Đó không phải do ông là người cấp tiến và ôn hoà, cũng không phải bởi ông đang cố gắng “cứu vớt” nhiệm kỳ tổng thống của mình và không phải như điều bà Sarah Palin, Thống đốc bang Alaska mong muốn.
Tổng thống Mỹ sẽ không ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran vì những lý do giống với người tiền nhiệm Geogre W. Bush. Những lý do này bao gồm: người Mỹ không biết chính xác những địa điểm hạt nhân của Iran và cũng không thể biết một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng có chấm dứt được chương trình hạt nhân của Iran trong nhiều tháng không. Mặt khác, lúc này Mỹ không muốn bị Iran trả đũa. Iran sẽ nhắm vào binh lính Mỹ và Ixraen thông qua các đồng minh trung gian tại Irak, Afghanistan, Palextin và Libăng. Đó cũng nhằm tránh việc giá dầu tăng lên tức thì. Không một vị tổng thống nào của Mỹ ung dung nghiên cứu tình hình rồi quyết định lao vào một cuộc chiến mới trong khi quân đội Mỹ đang phải chiến đấu tại 2 mặt trận khác nhau. Hơn nữa, không một vị tổng thống Mỹ nào có thể trông chờ vào việc người dân lại ủng hộ một quyết định như vậy.
Nhưng nếu Tổng thống Barack Obama chọn giải pháp không ném bom Iran, không gì có thể ngăn cản một nước khác làm điều này. Hiện nay, trong khi Washington không biết phải làm gì để giải quyết những khó khăn giữa việc cải cách y tế và hậu quả của cuộc bầu cử nghị viện bị thất bại tại bang Massachusetts, chúng ta có cảm giác rằng những vấn đề mà Tổng thống Obama sẽ phải đảm đương – dù tích cực hay tiêu cực – sẽ liên quan đến chính sách đối nội chứ không phải đối ngoại. Tuy nhiên, thời điểm quyết định chức tổng thống của ông Obama có thể đến vào lúc 2h đêm của một ngày khi ông nhận được cú điện thoại của Thủ tướng Ixraen thông báo rằng Ixraen vừa mới mở một cuộc tấn công chớp nhoáng vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Kịch bản này cũng không loại trừ. Không một ai lại có thể tự hỏi rằng người Ixraen có hăng say với các cuộc ném bom chớp nhoáng không, bởi họ đã thực hiện nhiều cuộc ném bom như vậy trước đây. Họ đã không đắn đo khi cử 8 máy bay tới Irak để phá huỷ lò phản ứng hạt nhân của Saddam Hussein vào năm 1981 hay ném bom một cơ sở hạt nhân bị tình nghi của Xiri vào năm 2007. Hai hành động này ngày nay được coi như những chiến dịch điển hình. Nó diễn ra rất nhanh, đã thành công, không bị trả đũa nghiêm trọng và nổi tiếng là các giải pháp ngăn ngừa hợp lệ trong mắt cộng đồng quốc tế.
Tình hình Iran hiện nay rất khác, giống với tuyên bố trên tờ báo the Economist của ông Zeev Raz, chỉ huy phi đội tiến hành cuộc ném bom vào năm 1981. Người Ixraen giống như mọi người trên thế giới đều nghi ngờ tính khả thi của các cuộc không kích. Chính vì vậy, Ixraen đã thực hiện chính sách ngầm phá hoại Iran và thực hiện các sáng kiến ngoại giao sốt sắng. Hơn nữa, Nhà nước Do thái đã bí mật nghiên cứu các phương tiện răn đe đối với Iran trong khi biết rằng nước này sẽ tiếp tục đạt được những tiến bộ về công nghệ hạt nhân trong vòng 30 năm tới. Mặc dù Chính phủ Ixraen không loại trừ một khả năng nào song việc thực hiện các cuộc ném bom và những hậu quả của nó không phải là một lựa chọn mong muốn.
Nhưng chiến lược của Ixraen cũng sẽ sẵn sàng thay đổi. Vì người Mỹ có xu hướng tin rằng thế giới cũng nghĩ như họ, cũng cần phải nhắc lại điều hiển nhiên là: nhiều người Ixraen coi chương trình hạt nhân của Iran là vấn đề sống còn. Ý tưởng một nước Iran hạt nhân hoá không phải là một mối đe doạ đơn giản mà là lâu dài. Ý tưởng này liên quan một suy nghĩ thống nhất về các cuộc tấn công gây hấn của tổng thống Iran chống lại nhà nước Do thái. Chúng ta cũng không quên là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố xoá sổ Nhà nước Ixraen và ủng hộ các nhà sử học có tư tưởng tiêu cực!
Nếu ông Obama nhận được cú điện thoại trên vào lúc 2h sáng thì không cần phải nói rằng sẽ có các cuộc trả đũa nhắm vào Mỹ, tàu chiến của họ, quân đội của họ tại Irak… và cũng như là Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng này! Ngược lại với bà Sarah Palin, tôi không tin rằng ông Obama sẽ thực hiện nhiệm vụ tổng thống của mình với quyết định ném bom Iran, như một nhân vật trong phim Des hommes d’influence (Những người có ảnh hưởng). Ngược lại, tôi hy vọng rằng Nhà Trắng đã sẵn sàng về mặt quân sự và tâm lý, không phải cho một cuộc chiến tuỳ ý mà là cho một cuộc chiến khi thực sự cần thiết. Bởi vì đây là một vấn đề thực tế chứ không phải là một bộ phim Hollywood./.
Theo báo SLATE.fr (Bài dịch)