Các cuộc đàm phán nhằm tiến tới ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ lại rơi vào bế tắc khi Moscow yêu cầu được quyền đơn phương rút ra khỏi hiệp ước nếu thấy các lá chắn tên lửa của Mỹ đe doạ lực lượng tên lửa hạt nhân xuyên lục địa của nước này. Đây là thông tin vừa được một quan chức Mỹ tiết lộ ngày hôm qua (1/3).
Điều khoản cho phép các bên đơn phương rút ra khỏi hiệp ước đã từng xuất hiện trong những hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân trước đó và cựu chính quyền Bush từng sử dụng điều khoản này một lần năm 2002 để rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo với Liên Xô cũ năm 1972.
Tuy nhiên, lần này, chính quyền của Tổng thống Obama đã bác bỏ đòi hỏi của Nga vì sợ rằng điều đó sẽ khiến Washington khó có thể giành được đủ số phiếu cần thiết từ các nghị sĩ Đảng Cộng hoà để thông qua hiệp ước mới.
"Vấn đề ở đây là người Nga cảm thấy họ cần gì nhưng chúng ta vẫn phải thận trọng để không làm phức tạp thêm tiến trình thông qua hiệp ước mới," một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết.
Để hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ được thông qua tại Thượng viện cần phải có số phiếu ủng hộ của 66 nghị sĩ, trong khi Đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama hiện chỉ có trong tay 59 ghế.
Tổng thống Obama đã cố gắng bất thành trong việc giải quyết vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ khi ông có cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev hồi tuần trước. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng thất bại trong việc tìm ra một giải pháp khi bà có cuộc hội đàm qua điện thoại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gần đây.
Nhóm đàm phán của Mỹ do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller dẫn đầu, đã trở về Washington từ Geneva ngày hôm qua để xin ý kiến từ các quan chức hàng đầu của Mỹ nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
"Chúng tôi không nghĩ rằng những vấn đề đó là không thể giải quyết. Chúng tôi đang nỗ lực tìm một cách nào đó để giải toả những nỗi lo ngại từ phía Nga," một quan chức Mỹ cho biết.
Nga và Mỹ đã đặt mục tiêu ký kết được một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới trước khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí Chiến lược năm 1991 hết hạn vào ngày 5/12 vừa rồi. Tuy nhiên, mục đích này đã không đạt được vì một số vấn đề.
Trở ngại mới nhất hiện nay chính là quyết định triển khai các tên lửa đánh chặn của Mỹ ở Rumani như một phần của kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu nhằm chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Iran. Iran sở hữu các tên lửa có khả năng tấn công các khu vực ở Châu Âu và Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Bush trước đó từng có kế hoạch triển khai các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và hệ thống radar ở CH Czech nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi một cuộc tấn công từ tên lửa xuyên lục địa của Iran. Tuy nhiên, trên thực tế, Iran hiện chưa sở hữu những tên lửa như thế. Chính vì lẽ đó, hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Obama đã quyết định từ bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm Bush. Nga đã hoan nghênh quyết định của ông Obama nhưng cũng phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa mới của ông Obama. Moscow cho rằng những tên lửa đánh chặn tầm trung mà Nga định lắp đặt trên đất Rumani sẽ đe doạ lực lượng tên lửa hạt nhân tầm xa của Nga.
"Nga nghi ngờ mục đích thực sự của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Rumani. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kỳ hành động đơn phương không rõ ràng nào trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Andrei Nesterenko khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng 20 tên lửa SM-3 được Mỹ triển khai trong giai đoạn đầu ở Rumani sẽ không đe doạ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga bởi những tên lửa của Mỹ chỉ có tầm bắn 900km và quá chậm để có thể bắt kịp các tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, Moscow lo ngại thế hệ tiếp theo của tên lửa Mỹ sẽ đủ nhanh để hạ gục các vũ khí tầm xa của Nga. Nỗi lo ngại này càng tăng lên khi không có một hiệp ước giới hạn số tên lửa đánh chặn mà Mỹ có thể triển khai ở Rumani.
Trong bối cảnh này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - ông P.J. Crowley cho biết Mỹ sẽ tiếp tục “nỗ lực để giải quyết những vấn đề mới phát sinh với những người đồng cấp Nga và chúng tôi sẽ cố gắng giải toả nỗi lo ngại của Nga bởi các kế hoạch lá chắn tên lửa của chúng tôi ở Châu Âu không bao giờ nhằm vào Nga."
Theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới, Nga và Mỹ sẽ giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn từ 1.500-1.600 đơn vị.
Kiệt Linh - VnMedia