Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 4/8/2016 16:7'(GMT+7)

Ít nhất hàng nghìn tỷ đồng được "đốt" trong dịp Lễ Vu Lan

Người dân "hồn nhiên" đốt vàng mã trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Người dân "hồn nhiên" đốt vàng mã trên đường phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Rằm tháng Bảy năm Bính Thân (2016) hay còn gọi là Ngày Lễ Vu Lan-Xá tội vong nhân. Đã thành truyền thống, những ngày này, mỗi người dân sinh sống tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước luôn hướng về và mong muốn làm những việc có ý nghĩa thiết thực để tỏ lòng biết ơn, báo hiếu tổ tiên, cha mẹ.

Tâm nguyện ấy là hết sức chính đáng. Tuy nhiên do không có nhiều thời gian tìm hiểu và biết rõ về sự tích, ý nghĩa của Lễ Vu Lan nên nhiều người dân vô tình "làm theo đám đông," nghe theo sự dẫn dắt của những người làm nghề vàng mã nên đã đồng nhất Lễ Vu Lan với tục đốt vàng mã.

Hàng mã vào “chính vụ”


Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên trong dịp này, người dân đều chuẩn bị đồ cúng rất tươm tất, đặc biệt là vàng mã với mong muốn để người đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất, báo hiếu tổ tiên.

Quan niệm chưa chính xác của người dân là cơ hội để nghề làm đồ mã, vàng mã phát triển. Nếu trước kia chỉ có chỉ là quần áo mũ, hài, đồ trang sức, tiền giấy, nay đồ vàng mã đa dạng như trần tục. Hàng mã nay có cả dầu gội đầu, đồ gia dụng, người giúp việc cho đến xe máy, ôtô và biệt thự... Giá các loại đồ mã cũng tùy theo từng mặt hàng "thời thượng" mà có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.

Phố Hàng Mã (Hà Nội) được coi là “thủ phủ” của các mặt hàng phục vụ người cõi âm những ngày này nhộn nhịp mua bán. Các cửa hàng ở đây tấp nập xuất-nhập kho.

Các cơ sở kinh doanh ở đây đã chuẩn bị nguồn hàng trước cả tháng, nguồn hàng chủ yếu là từ các làng nghề chuyên sản xuất hàng mã tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), Bắc Ninh, có một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc.

Anh Tiến, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết rằm tháng Bảy là thời điểm người dân mua hàng mã nhiều nhất, ngoài tiền vàng, quần áo, giày dép, mũ nón như truyền thống, các mặt hàng xa xỉ, hiện đại hơn như nhà tầng, xe hơi... có sức mua khá cao. Đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định giá các mặt hàng vàng mã năm nay không tăng so với những năm trước.

Các cửa hàng cũng có bán một số mặt hàng “hạng sang” như nhà lầu, biệt thự nhưng những ngôi nhà lớn, có kích thước đặc biệt thường là hàng do khách đặt, làm trước cả tháng chứ không có hàng bán sẵn.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ rằm Tháng Bảy là ngày lễ lớn nên gia đình chị thường sắm sanh đồ lễ rất tươm tất. Năm nay, chị Ngọc Anh chưa mua hàng mã nhưng khẳng định sẽ không thể ít hơn các năm. Mỗi năm, gia đình chị Ngọc Anh thường dành ra 1 triệu đồng để mua các loại hàng mã.

Khác với chị Ngọc Anh, chị Lê Thu Hà (quận Hai Bà Trưng) cho rằng rằm Tháng Bảy là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, báo ơn tổ tiên thì lễ cúng phải đầy đủ. Tuy nhiên, việc mua những loại hàng mã đắt tiền là không cần thiết, quan trọng là con cháu cần có lòng thành.

Tiền tỷ hóa tro bụi


Tục đốt vàng mã, đồ mã mỗi dịp lễ, tết, giỗ... được các thế hệ người Việt Nam thực hành từ rất lâu với mong muốn nguyện cầu cho những người đã khuất tiếp tục có cuộc sống tốt hơn ở thế giới bên kia. Song nhiều nhà đang lạm dụng quá mức tục lệ này với những loại đồ mã, vàng mã quá đắt tiền theo quan niệm "trần sao âm vậy" là chưa thỏa đáng. Điều này không khác gì bỏ tiền thật mua đồ giấy về để đốt.

Bà Nguyễn Thị Thơ (quận Cầu Giấy) cho biết nhà bà không mua nhiều hàng mã nhưng nhất thiết phải mua đủ, không được thiếu phần của bất kỳ ai. Nam có quần áo, giày, mũ. Nữ cũng vậy và có mua thêm nón và trang sức... Thêm vào đó là tiền, vàng. Mỗi “phần” như thế khoảng 50.000 đến 100.000. Mỗi lần cúng giỗ, nhà bà chỉ mất khoảng 200.000 đến 300.000 đồng cho đồ mã, vàng mã.

Cả nước hiện có hơn 26 triệu gia đình, tính ở mức tối thiểu, mỗi hộ bỏ ra 200.000 đồng để mua vàng mã như nhà bà Thơ, như vậy cả nước “hóa” hết hàng nghìn tỷ chỉ trong dịp Rằm Tháng Bảy này, chưa tính đến các ngày lễ khác trong năm. Với số tiền này, nhiều ngôi chùa được trùng tu khang trang, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được cứu chữa, được đến trường, phát tâm công đức, làm từ thiện, chắc chắn sẽ thiết thực hơn rất nhiều so với núi tro tàn của vàng mã.

Nhà nước cũng đã có những quy định cụ thể về đốt vàng mã, đồ mã. Cụ thể là, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ “Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” đã quy định: “Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng.”

Trong Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” cũng nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa.”

Sự không thống nhất và chưa quy định rõ khái niệm “nơi quy định” và “nơi công cộng” đã khiến 2 Nghị định kể trên chưa thể phát huy hiệu quả. Trong khi đó, hậu quả của việc đốt mã đã thấy ngay trước mắt, không chỉ gây tốn kém mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn...

Điển hình là vụ cháy cửa hàng kinh doanh vàng mã ngày 24/7 vừa qua tại Hải Phòng, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng toàn bộ ngôi nhà, khiến 2 cháu nhỏ trên tầng không thoát ra được. Những đám cháy kể trên không chỉ thiêu rụi của cải, tiền bạc mà còn lấy đi cả tính mạng con người.../.

P.A-Mai Linh (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất