Thứ trưởng Ngoại giao Italy, thượng nghị sỹ Benedetto Della Vedova khẳng
định nước này muốn tham gia nhiều hơn nữa trong an ninh của khu vực
châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Vedova đã đưa ra lời khẳng định trên trong cuộc Hội thảo mang tên
"Italy, Việt Nam và hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương" do Bộ Ngoại
giao Italy, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và tạp chí thời sự chính trị
hàng đầu của Italy, Limes phối hợp tổ chức tại Rome ngày 26/3.
Theo Thứ trưởng Della Vedova, Chính phủ Italy ngày càng quan tâm hơn nữa
đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói
riêng, với một chính sách đối ngoại hướng mạnh sang hợp tác về nhiều mặt
ở khu vực này, trong đó có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, đất nước
mà Italy đã ký Hiệp định "đối tác chiến lược" vào năm 2013.
Ông Vedova khẳng định rằng, mối quan hệ Italy-Việt Nam ngày càng trở nên
tốt đẹp, khi Italy coi Việt Nam như một cửa ngõ để bước vào thị trường
Đông Nam Á đầy tiềm năng.
Việt Nam được đánh giá là một đất nước có tăng trưởng kinh tế nhanh
trong khu vực và cũng có rất nhiều sáng kiến trong việc phát triển hợp
tác kinh tế và duy trì hòa bình trong khu vực.
Ông Vedova cho rằng, việc Đông Nam Á nóng lên do những tranh chấp liên
quan đến các vấn đề biển đảo khiến Italy và EU rất lo ngại. Italy mong
muốn đóng góp nhiều hơn nữa trong vấn đề an ninh của khu vực này cũng
như toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan điểm này cũng được hạ nghị sỹ Fabrizio Cicchitto, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, chia sẻ.
Ông Cicchitto khẳng định rằng, sự bất ổn trong thời điểm hiện tại và
tương lai của châu Á-Thái Bình Dương có thể đe dọa an ninh thế giới, bởi
đây là nơi tập trung đông dân số thế giới, cũng như tạo ra 60% GDP của
toàn cầu.
Theo ông Cicchitto, Italy đang ngày càng chú ý hơn đến những diễn biến ở
Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á-Thái Bình Dương nói chung, và
những kinh nghiệm của Italy trong việc thương lượng và giải quyết khủng
hoảng có thể có ích trong tương lai.
Tham gia hội thảo, ông Paul Berg, chuyên viên về quan hệ chính trị của
Đại sứ quán Mỹ ở Rome, nói rằng, Washington hoàn toàn ủng hộ việc Italy
và các đồng minh muốn can dự nhiều hơn nữa trong các vấn đề về an ninh ở
châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông do "thái độ" của Trung Quốc với các
nước trong khu vực khiến Mỹ rất lo ngại, vì điều này làm cho an ninh khu
vực bị đe dọa.
Do đó, Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam và nước ASEAN trong
việc tạo ra một môi trường chung sống hòa bình. Ông cũng khẳng định, Mỹ
rất quan tâm đến các động thái của Trung Quốc nói riêng và các nước
trong khu vực nói chung, đặt trong an ninh chung của châu Á-Thái Bình
Dương.
Các học giả và chính khách Italy tham dự hội thảo đặc biệt chú ý đến
tham luận của ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược
ngoại giao, thuộc Học viện ngoại giao, Bộ ngoại giao.
Sau khi nêu ra sự phát triển của ASEAN trong những thập kỷ qua và sẽ trở
thành một khối thống nhất về thị trường trong năm nay, cũng như khẳng
định châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành khu vực kinh tế năng động
nhất của toàn cầu, với sự trở lại của Nhật Bản, sự trỗi dậy của Ấn Độ,
sự trở lại của Mỹ, trong khi Nga gia tăng sự hiện diện và Trung Quốc
đang vươn lên thành một siêu cường, ông Tuấn cho rằng, cơ hội hợp tác và
phát triển xuất hiện song song cùng với những mối đe dọa về an ninh.
Những mối đe dọa tới an ninh khu vực đang xuất hiện và trên thực tế đã
ảnh hưởng đến nhiều nước từ những hành động đơn phương và các yêu sách
vô lý trên Biển Đông của Trung Quốc.
Theo ông Tuấn, so với nhiều nước EU khác, sự hiện diện của Italy trong
khu vực còn yếu. Ông hy vọng, Italy, với tư cách là đối tác chiến lược
của Việt Nam, sẽ tích cực thể hiện vai trò của mình trong việc gìn giữ
an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Tuấn cũng nêu ra những vấn đề này trong cuộc trao đổi ngày 27/3 với
các chuyên gia địa-chính trị của Viện nghiên cứu quốc tế (Ce.S.I), một
trong những cơ quan nghiên cứu chiến lược và chính sách ngoại giao hàng
đầu của Italy.
Các chuyên viên của Ce.S.I cũng cho rằng, an ninh ở châu Á-Thái Bình
Dương là một vấn đề then chốt trong tiến trình hợp tác và phát triển
kinh tế giữa các nước trong khu vực. Tiến trình đó có thể bị phá vỡ nếu
như an ninh không được đảm bảo.
Các nước lớn phải đóng vai trò là những người kiến tạo hòa bình và tôn
trọng luật pháp quốc tế chứ không phải là những tác nhân gây ra bất ổn.
Họ nhấn mạnh rằng, Italy rất lo ngại trước sự bất ổn đang diễn ra ở châu
Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là những động thái của Trung Quốc trên Biển
Đông./.
Trương Anh Ngọc (Vietnam+)