Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mục đích của Kế hoạch nhằm phổ biến sâu
rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ,
công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và người lao động;
nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp; bảo đảm Hiến pháp được
tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh; rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi,
bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp
với Hiến pháp.
Bên cạnh đó, xác định cụ thể các nội
dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến
pháp, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; xây dựng
cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các
hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, tháng 2/2014, Bộ Tư pháp chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc giới
thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên
truyền viên.
Tổ chức tập huấn chuyên sâu về nội dung
của Hiến pháp cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, cán bộ pháp chế
các Bộ, ngành ở Trung ương trước tháng 6/2014.
Các Bộ, cơ quan liên quan cũng được giao
nhiệm vụ tổ chức giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp
cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Công việc này được thực hiện trọng tâm trong năm 2014 và tiếp tục duy
trì hợp lý, hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, Quý III năm 2014, phát động
cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam” trên phạm vi toàn quốc và sẽ tổng kết cuộc thi này vào quý III năm
2015.
Rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp
Ngoài nội dung nêu trên, theo Kế hoạch,
các Bộ, ngành, địa phương sẽ tổ chức rà soát toàn diện hệ thống văn bản
pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương có thẩm
quyền ban hành; lập danh mục các quy định trái Hiến pháp cần phải dừng
thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới
văn bản pháp luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp theo phạm vi,
thẩm quyền quy định tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày
6/2/2013 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (tính đến
thời điểm 1/1/2014).
Kế hoạch cũng đưa ra dự kiến 82 dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ
sung, ban hành mới, trong đó có 14 dự án trong lĩnh vực Tổ chức bộ máy
nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị; 15 dự án trong lĩnh
vực Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; 43 dự án
trong lĩnh vực Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ
và môi trường; 10 dự án trong lĩnh vực Bảo vệ Tổ quốc./.
(VGP)