Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 14/10/2012 22:32'(GMT+7)

“Kẻ thù tàng hình” của Mỹ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Mặc dù khẳng định Oa-sinh-tơn đã có những chiến lược và hành động cụ thể để đối phó với những mối đe dọa không gian mạng ảnh hưởng đến lợi ích của nước Mỹ, ông Pa-nét-ta cũng đề cập tới khả năng một cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống kiểm soát máy tính điều hành các nhà máy nước, điện và hóa học, tài chính ngân hàng, dầu khí của nước này. “Chúng tôi biết rõ về việc những kẻ xâm nhập đang tìm cách tạo ra nhiều công cụ tiên tiến để tấn công những hệ thống đó và gây hoảng loạn, phá hủy và thậm chí là làm tổn thất nhân mạng đối với nước Mỹ”, Roi-tơ dẫn lời cảnh báo của Bộ trưởng Pa-nét-ta.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, bài học nhãn tiền với Mỹ trong cuộc chiến chống tin tặc là vụ tấn công mạng tháng 8-2012 nhằm vào Saudi Aramco, công ty dầu khí lớn nhất thế giới, làm tê liệt hơn 30.000 máy tính tại đây.

Quả thực, an ninh mạng đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với Mỹ trong những năm gần đây. Chẳng thế mà ngay từ khi mới nhậm chức, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tuyên bố rằng, “bảo đảm an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ”, nhất là trong bối cảnh các vụ tin tặc tấn công nhằm vào cường quốc này ngày một tăng lên.

Cách đây một năm, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 10 năm sự kiện khủng bố 11-9-2011, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ, bà J. Na-pô-li-ta-nô (J. Napolitano) cũng đã khẳng định, mối lo an ninh lớn nhất của nước Mỹ ở thời điểm 10 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng và đẫm máu này là chiến tranh mạng.

Đến nay thì an ninh mạng, theo cách gọi của ông Pa-nét-ta, đã trở thành một sứ mệnh bảo vệ đất nước đối với người Mỹ. Tướng K. A-lếch-xăng-đơ (K. Alexander), người đứng đầu Bộ chỉ huy mạng của quân đội Mỹ cho biết, chỉ trong hai năm 2010 và 2011, số vụ tấn công mạng vào nước Mỹ đã tăng đến 17 lần, chủ yếu nhằm vào các hệ thống điện, nước, điện thoại di động và máy tính của cả chính phủ lẫn các tập đoàn tư nhân hàng đầu của Mỹ. Nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất quan trọng của Mỹ như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Hãng Lockheed Martin (hãng chế tạo ra máy bay tàng hình F-35) cũng đã từng bị đám tin tặc “đột nhập” và đánh cắp thông tin. Hay như trụ sở của các cơ quan an ninh hàng đầu như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng không ít lần trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng.

Trong gần một năm trở lại đây, còn xuất hiện thêm một loạt cuộc tấn công tinh vi bằng mã độc nhằm vào những doanh nghiệp khí đốt của Mỹ. Gần đây lại có tin, các nhóm tội phạm mạng đang tuyển mộ hơn 100 người điều hành mạng máy tính ma để thực hiện một cuộc tấn công vào hệ thống ngân hàng của Mỹ. Đó là chưa kể những âm mưu tấn công bị các cơ quan an ninh mạng của Mỹ phát hiện và ngăn chặn, điển hình như kế hoạch tấn công vào mạng lưới điện quốc gia với mục đích làm toàn nước Mỹ “chìm trong bóng tối”.

Thực tế đáng báo động này đã buộc các cơ quan an ninh Mỹ phải tìm biện pháp chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng về cả an ninh, quân sự cũng như kinh tế. Bộ An ninh nội địa Mỹ, một trong hai cơ quan (cùng với Bộ Quốc phòng Mỹ) đi đầu trong việc ứng phó với chiến tranh mạng đã được tăng thêm 230 triệu USD trong ngân sách năm 2012 để nâng cấp hệ thống an ninh mạng, nhưng đến nay tình hình có vẻ như vẫn chưa sáng sủa hơn là bao.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang thúc đẩy một đạo luật về an ninh mạng, trong đó yêu cầu đưa ra các tiêu chuẩn mới tại các cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân trọng yếu như nhà máy điện, các cơ sở xử lý nước và đường ống dẫn khí đốt, nơi mà một sự cố mạng có thể gây ra những thiệt hại về kinh tế và thương vong đáng kể. Tuy nhiên, dự luật này đã bị ngăn cản bởi một nhóm nghị sĩ Cộng hòa do lo ngại nó sẽ tạo ra gánh nặng cho các tập đoàn. Trước tình hình này, Tổng thống B. Ô-ba-ma hiện đang cân nhắc khả năng ban hành một sắc lệnh nhằm tăng cường chia sẻ thông tin về an ninh mạng giữa chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân. Tất nhiên, nếu có thì sắc lệnh đó mới chỉ là giải pháp tạm thời.

Chiến lược an ninh mạng mới được Lầu Năm Góc công bố cũng xác định tăng cường an ninh, đề phòng các cuộc tấn công mạng sẽ là nhân tố quan trọng trong việc định hình sức mạnh quân sự của Mỹ trong tương lai.

Nhưng có thể sự đáp trả của Mỹ đối với tội phạm mạng sẽ không thể mạnh mẽ giống như các cuộc tấn công trên bộ, trên không hay trên biển, bởi đối thủ của Oa-sinh-tơn vẫn đang là một kẻ vô hình đáng sợ.

QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất