Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 13/10/2012 22:0'(GMT+7)

Liệu có xảy ra xung đột toàn diện giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ?

 “Nóng rẫy” khu vực biên giới

Không chỉ tiến hành chặn một chiếc máy bay A-320 đang trên hành trình từ Mát-xcơ-va (Nga) tới thủ đô Đa-mát của Xy-ri, các nguồn tin quân sự giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, quân đội nước này đã cho triển khai ít nhất 25 chiếc máy bay chiến đấu F-16 đến căn cứ Đi-a-ba-kia ở khu vực biên giới phía Đông Nam chiều tối 9-10. Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phái thêm nhiều đơn vị pháo binh đến khu vực biên giới Xy-ri. Liên tiếp trong những ngày qua đã diễn ra các cuộc đấu pháo qua biên giới giữa lực lượng vũ trang hai quốc gia láng giềng và từng một thời là đồng minh thân thiết của nhau, một số binh sĩ Xy-ri tử thương.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biên giới giáp Xy-ri. Ảnh: AP

Tình trạng leo thang bạo lực ở khu vực biên giới Xy-ri - Thổ Nhĩ Kỳ được châm ngòi từ sự kiện một quả đạn pháo từ Xy-ri bay sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3-10, khiến 5 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

Hành động đáp trả bằng quân sự của An-ca-ra và Đa-mát đang khiến giới quan sát cảm nhận rõ ràng hơn sức nóng trong quan hệ giữa hai nước. Trong bối cảnh mà chính quyền Tổng thống Át-xát bày tỏ sự “không hài lòng” trước việc An-ca-ra công khai ủng hộ phe đối lập chống lại Đa-mát kể từ khi bạo loạn nước này bùng phát (hồi tháng 3-2011), không ít chuyên gia quốc tế nhận định “giọt nước sắp tràn ly”.

Trong một bài phát biểu trước các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền ngày 9-10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) đã tái khẳng định rằng, An-ca-ra sẽ tiếp tục trả đũa kiên quyết trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ chính quyền của Tổng thống Át-xát (Assad). Thủ tướng Éc-đô-găng một lần nữa đề nghị các đồng minh trong NATO cho đánh giá về những gì đã xảy ra. Trước đó, hôm 6-10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cho phép lực lượng phòng không, không quân nước này được bắn hạ máy bay và máy bay trực thăng Xy-ri gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất là 10km. Trong một động thái được xem là “bật đèn xanh” cho quân đội tấn công Xy-ri, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủy quyền chính phủ tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài đất nước trong trường hợp tiếp diễn các cuộc tấn công từ Xy-ri.

Nhận định về những động thái của chính quyền An-ca-ra, ông Ai-đa Cu-rơ-tốp (Ajdar Kurtov), chuyên gia Viện Đánh giá chiến lược Nga nói: “Những tuyên bố đưa ra từ phía ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, tự nó đã bộc lộ tất cả. Đó không chỉ đơn thuần là những ngôn từ hiếu chiến mà là mệnh lệnh chính trị cho các lực lượng vũ trang trong trường hợp nảy sinh sự cần thiết vượt biên giới và tiến hành chiến sự trên lãnh thổ Xy-ri. Như vậy không phải là chiến tranh hay sao?”.

Khó có chiến tranh

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích khác, mặc dù thể hiện thái độ cứng rắn và quyết liệt với Xy-ri nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không hề muốn xảy ra viễn cảnh một cuộc chiến tranh với nước láng giềng kế bên. Phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), ông Đi-đi-ê Bi-li-ông (Didier Billion) cho rằng, có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một số chiến dịch quân sự nhưng sẽ rất hạn chế, vì nếu diễn ra chiến dịch quy mô lớn, tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đây cũng là quan điểm của nhiều người vì xét trên cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế, cho đến nay không bên nào muốn tình hình xấu đi hoàn toàn. Ông Vôn-cơ Pớt (Volker Perthes), Giám đốc Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức nhận định, chỉ có một sự thay đổi đột ngột mới có thể kéo NATO can dự trực tiếp vào Xy-ri và biến nó thành một cuộc xung đột khu vực đáng lo ngại.

Trên thực tế, cả NATO, An-ca-ra lẫn Đa-mát đều nhận thức rất rõ những mối nguy cơ một khi bùng nổ xung đột. Ngay sau khi nổ ra đợt pháo kích, Xy-ri đã nhận trách nhiệm về sự việc, đồng thời cam kết không để xảy ra những sự cố như vậy trong thời gian tới. Trong khi đó, An-ca-ra và NATO cũng mường tượng được mức độ nguy hại của việc bắt đầu chiến tranh với Đa-mát. Xy-ri có quân đội mạnh, được huấn luyện và vũ trang tốt. Một khi không có sự cho phép của hai thành viên HĐBA là Nga và Trung Quốc, thì sự can thiệp của NATO vào Xy-ri vô tình càng gia tăng vị thế của Tổng thống Át-xát tại Trung Đông, điều mà phương Tây không hề muốn. Bên cạnh đó, tấn công Xy-ri, vô tình biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành chiến địa thứ hai trong khu vực.

Một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga) cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn kiềm chế bởi thiếu sự hỗ trợ công khai và chính thức của Oa-sinh-tơn cùng những quốc gia then chốt khác trong NATO. Yếu tố cộng thêm nữa là trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ chủ động phát động chiến tranh, sẽ có thể khiến bùng phát vấn đề người Cuốc ở nội địa đất nước.

Có thể thấy rằng, căng thẳng giữa An-ca-ra và Đa-mát có thể tiếp tục leo thang, nhưng khó có thể hội đủ yếu tố để dẫn tới một cuộc chiến toàn diện giữa hai nước. Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc gì cũng có giới hạn và những diễn biến như hiện nay là “cực kỳ nguy hiểm”.

QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất