Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 22/4/2021 5:0'(GMT+7)

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn sự kết hợp này trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trở thành bài học kinh nghiệm quý báu đối với Đảng và nhân dân ta. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm về sự kết hợp này qua 35 năm đổi mới, nắm bắt những thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định, phát triển những quan điểm về kết hợp SMDT với SMTĐ trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.  

TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC THEO ĐỊNH HƯỚNG XHCN

Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và nhân dân ta chưa khi nào xem nhẹ, tách rời hai nhiệm vụ này, nhất là thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và Nghị quyết 28-NQ/TW khóa XI, Đảng ta đã chỉ ra mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong đó, xây dựng phát triển mọi mặt để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình là điều kiện tiên quyết để xây dựng, phát triển đất nước. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm này. 

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nêu quan điểm: “Kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(1).

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định tư tưởng về kết hợp SMDT với SMTĐ ngay trong chủ đề Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(2).Điều này cho thấy, việc kết hợp SMDT với SMTD là một trong những vấn đề hệ trọng được quan tâm nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và bảo vệ là quy luật của mọi quốc gia dân tộc, là đường hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam. Xét ở phương diện bảo vệ Tổ quốc, thì xây dựng, phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh là cơ sở, tiền đề, là phương thức để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Đến lượt nó, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là điều kiện rất quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Mặt khác, trong xây dựng cũng hàm chứa nội dung bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN(­3).

PHÁT HUY CAO NHẤT SỨC MẠNH TỔNG HỢP

Đây là mục tiêu của kết hợp SMDT với SMTĐ trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đã được Đảng ta đề cập trong một số văn kiện, nghị quyết chuyên đề về bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX, Đảng ta xác định: “ra sức phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa và khai thác mọi thuận lợi ở bên ngoài”; đồng thời nhấn mạnh ở quan điểm thứ ba: “Sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định(4). Ở đây, dường như “nội lực” - yếu tố bên trong của đất nước được xem là “sức mạnh dân tộc”; và “thuận lợi ở bên ngoài”, hay yếu tố bên ngoài - ngoại lực,  được xem là “sức mạnh thời đại”. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, chưa toàn diện. 

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết TW8, khóa IX, Nghị quyết 28-NQ/TW khóa XI yêu cầu phải nắm vững một trong các quan điểm chỉ đạo là: Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định; đồng thời tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài. Với nhận thức biện chứng, sâu sắc hơn nội hàm “sức mạnh của dân tộc” và “sức mạnh của thời đại”, Nghị quyết không chỉ đặt vấn đề “phát huy nội lực” và “kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài”, mà còn bổ sung thêm mệnh đề “Phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”. Rõ ràng, sức mạnh của dân tộc không chỉ là sức mạnh nội lực và không chỉ bó hẹp ở sức mạnh bên trong, bởi nó còn bao gồm cả một phần ngoại lực cần được huy động cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là nguồn lực to lớn về vật chất và tinh thần, cùng nguồn lực tài chính và tấm lòng hướng về cội nguồn của hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài, vốn đã được coi “là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”(5)

Đến Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(6). Đó là sự nhất quán và phát triển tư duy nhận thức của Đảng trước những biến đổi của tình hình thực tiễn tác động, ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

Mệnh đề “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại” cho thấy, Đảng ta nhấn mạnh đến yếu tố “sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc” chứ không chỉ “sức mạnh dân tộc”. Đó là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố nội lực - trong nước cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và nguồn lực vật chất, tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không phải là sự cộng lại cơ học  của các yếu tố cấu thành “sức mạnh dân tộc”. Hơn nữa, Văn kiện lần này bổ sung mệnh đề “của cả hệ thống chính trị” trong mục tiêu “phát huy cao nhất…” là bổ sung, nhấn mạnh đến sức mạnh của hệ thống chính trị, từ tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và cơ chế vận hành để bảo đảm vai trò quan trọng của các thành tố ấy trong xây dựng, phát huy các yếu tố “sức mạnh dân tộc” kết hợp với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Điều này, thể hiện sự lô gic nhận thức với chủ đề Đại hội.

PHÁT HUY CAO ĐỘ NỘI LỰC, CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Kế thừa truyền thống “tự lực tự c­ường, đem sức ta giải phóng cho ta”, ngày nay, đứng trước thời cơ lớn và thách thức lớn, Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta càng khẳng định sâu sắc không gì có thể thay thế đ­ược sức mạnh nội lực của đất nước, dựa trên sức mạnh bên trong để tận dụng thời cơ vư­ợt qua thách thức, tạo thế ổn định, phát triển. Trong đó, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là căn cốt của sức mạnh dân tộc. Đảng ta khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(7). Những nỗ lực vư­ợt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng - an ninh… đã tạo cho đất n­ước khả năng tận dụng tối ưu những yếu tố có lợi, loại trừ những yếu tố bất lợi, vô hiệu hóa những mư­u đồ thâm độc của các thế lực thù địch, tranh thủ ngoại lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đất nước luôn ổn định và phát triển.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương, tranh thủ sức mạnh quốc tế để bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”(8). Trong đó, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề trung tâm, chi phối đến hội nhập các lĩnh vực khác. Theo đó, cần chủ động nắm vững qui luật, tính tất yếu của các xu thế thời đại, của sự vận động kinh tế toàn cầu, phát huy đầy đủ năng lực nội sinh, xác định lộ trình, nội dung, hình thức, qui mô bước đi thích hợp. Mặt khác, chủ động trong đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, hợp tác quốc tế; sáng tạo, phân tích, lựa chọn phương thức hành động, dự báo được những tình huống trong hội nhập để tránh được bất ngờ. 

Bên cạnh đó, “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy”(9). Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước trong khu vực (ASEAN), các nước châu Á Thái Bình Dương, các Tổ chức thương mại quốc tế để khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, phải có bước đi thận trọng và vững chắc, tránh mơ hồ mất cảnh giác, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ mà tổn hại đến lợi ích lâu dài, lợi ích quốc gia dân tộc.

KẾT HỢP CHẶT CHẼ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG – AN NINH, ĐỐI NGOẠI

Đảng ta chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”(10).Theo đó, trong quy hoạch tổng thể trên bình diện chiến lư­ợc quốc gia cũng nh­ư trong qui hoạch, kế hoạch của mỗi lĩnh vực, mỗi ngành và địa phương phải hướng vào thực hiện kết hợp hai nhiệm vụ chiến l­ược. Phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ đáp ứng nhu cầu xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững mạnh để răn đe kẻ thù và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các thế lực hiếu chiến muốn xâm chiếm nước ta. Xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ mới phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực. Trong đó, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, hai nguồn lực đó gắn kết với nhau thành nguồn lực tổng hợp để tăng cường quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh đó, phải “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”(11); đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự nhằm tuyên truyền và xây dựng quan hệ hữu nghị với nhân dân và quân đội các n­ước, làm cho đối tác hiểu đầy đủ hơn về Việt Nam, từ đó, phát huy những yếu tố nội lực - trong nước và tranh thủ, tận dụng các nguồn lực quốc tế, bên ngoài về quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.    

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, GIỮ VỮNG ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Môi trường hòa bình, chính trị - xã hội ổn định sẽ cho phép chúng ta tập trung được mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, phát huy được sức người sức của, tài trí của từng con người Việt Nam và toàn dân tộc; đồng thời, thu hút, tận dụng được nhiều nguồn lực từ các yếu tố bên ngoài, quốc tế, thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ có môi trường hoà bình, ổn định mà Việt Nam trở thành điểm đến và là nơi thu hút đầu tư, làm ăn an toàn nhất trên thế giới. Hòa bình còn là một nhân tố quan trọng cấu thành sức mạnh của thời đại, bảo đảm cho các nhân tố khác được khai thác và phát huy có hiệu quả. Thực tế đã cho chúng ta hiểu rằng, ở đâu hoà bình được duy trì, giữ vững, tình hình chính trị - xã hội ổn định thì ở đó mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước được phát huy tích cực, nhân dân có được cuộc sống ấm no, giàu mạnh. Trái lại, nơi nào thường xuyên bất ổn, chính trị - xã hội rối ren, xung đột, chiến tranh cục bộ xảy ra… thì nơi đó sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách trong phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của nhân dân sẽ nghèo đói và chậm phát triển, sức mạnh của dân tộc bị suy yếu, thậm chí làm triệt tiêu các nhân tố sức mạnh của thời đại. Đó là những yếu tố cản trở đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, cần phải kiên quyết giữ vững hòa bình, bảo đảm sự ổn định về mọi mặt của đất nước, nhất là ổn định về mặt chính trị, tăng cường mở rộng quan hệ song phương và đa phương tạo môi trường quốc tế thuận lợi để ổn định và phát triển đất nước, thực hiện dân, giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ là nhân tố quan trọng để khai thác và phát huy ngày càng có hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Tuy nhiên, cần phải luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chưa bao giờ chúng từ bỏ ý định chống phá nước ta. 

Đoàn sĩ quan Việt Nam chụp hình trước giờ sang Nam Sudan hôm 1/10/2018 tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình tại Liên hiệp quốc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đoàn sĩ quan Việt Nam chụp hình trước giờ sang Nam Sudan hôm 1/10/2018 tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình tại Liên hiệp quốc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Để kết hợp SMDT với SMTĐ trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vấn đề có tính nguyên tắc là phải phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn quân ta. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với hoạt động này, trên cơ sở xây dựng và phát huy cao nhất các yếu tố của SMDT và SMTĐ vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đòi hỏi, “Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời vối mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”(12).

Tóm lại, những nội dung quan điểm Đại hội XIII của Đảng về kết hợp SMDT với SMTĐ trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN phản ánh sự nhất quán lập trường tư tưởng chính trị và sự phát triển nhận thức phù hợp với tình hình thực tiễn, xu thế của thời đại. Nắm vững quan điểm Đại hội XIII, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức nỗ lực phấn đấu, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới./.

Đại tá. PGS.TS Lê Xuân Thủy
Học viện Chính trị 

---------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr. 70.

(2) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 14; 156; 118; 164; 163; 162; 163; 182

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.Itr. 107.

(4) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr. 47.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 245.

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất