Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn kiện Đảng
Thứ Tư, 8/4/2009 8:48'(GMT+7)

Kết luận 44-KL/TW của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình"

Tại phiên họp ngày 06 – 3 – 2009, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Y tế báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22- 3 - 2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình” (sau đây gọi là Nghị quyết 47-NQ/TW), Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

Bộ Chính trị nhất trí với Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, đồng thời nhấn mạnh một số điểm sau:

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Công tác DS-KHHGĐ đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể và tổ chức xã hội; từng bước tạo được sự cam kết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và dư luận xã hội ủng hộ rộng rãi việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đã có sự chuyển biến về hôn nhân và sinh đẻ của người dân, ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp hơn với lứa tuổi, sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế và đẻ ít hơn (Tổng tỷ suất sinh đã giảm từ 2,11 năm 2005 xuống còn 2,07 năm 2007); chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, dinh dưỡng, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo của nhân dân.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn những khuyết điểm và yếu kém: Mức sinh giảm chậm, chưa vững chắc, có sự khác biệt giữa các vùng miền, còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; khu vực nông thôn chưa đạt mức sinh thay thế và mức giảm sinh rất chậm; tình trạng mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh đã đến mức báo động. Thứ hạng Chỉ số phát triển con người (HDI) tuy có tăng nhưng chưa đáng kể. Mặc dù tuổi thọ bình quân tương đối cao, nhưng chất lượng tuổi thọ khá thấp. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chỉ số suy dinh dưỡng cải thiện chậm. Tỉ lệ dân số bị thể lực kém, trí tuệ giảm có xu hướng gia tăng. Nhiều vấn đề trong chăm sóc sức khoẻ đang đặt ra những bất cập và lo ngại. Việc quản lý dân số còn thiếu thống nhất, phân tán gây khó khăn, phiền phức cho người dân trong các giao dịch dân sự và không đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội và hoạch định chính sách, lồng ghép chính sách dân số với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém nêu trên là do:

- Một số cấp uỷ đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, không quan tâm đúng mức đến công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt khi có biến động về tổ chức làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Trong chỉ đạo còn có biểu hiện thiếu tập trung, thiếu quyết liệt, thiếu những giải pháp thiết thực, chưa phát huy tốt vai trò của cơ quan tham mưu... Một bộ phận cán bộ, đảng viên không gương mẫu nhưng chưa bị xử lý nghiêm các vi phạm.

- Chậm sửa đổi Pháp lệnh Dân số và các chính sách, quy định không còn phù hợp với mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con.

- Hệ thống tổ chức làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình thiếu ổn định, nhất là chậm tiến hành việc sát nhập uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em vào ngành y tế, tạo nên nhận thức không đúng của cả cán bộ và nhân dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, tổ chức bộ máy mới bước đầu được củng cố, nhưng vẫn chưa ổn định.

- Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, cơ chế quản lý kinh phí chưa phù hợp với tính chất đặc thù của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

- Tâm lý, tập quán của người dân trong xã hội nông nghiệp, lại chịu ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng phong kiến về việc sinh con, muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường còn rất nặng nề.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 47-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội và toàn xã hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 47-NQ/TW đã đề ra. Những trọng tâm cần tập trung chú ý là:

- Kiên trì thực hiện mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt, mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và quy mô dân số nước ta không quá 100 triệu người vào năm 2020, tạo cơ sở vững chắc để ổn định quy mô dân số ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình. Tập trung nguồn lực, thực hiện mạnh mẽ các giải pháp, mở rộng chính sách khuyến khích để tiếp tục giảm sinh ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có chính sách và biện pháp cụ thể để ổn định mức sinh, bảo đảm sự bền vững của chính sách dân số.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược tổng thể nâng cao toàn diện các thành tố của chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần; từng bước nâng cao chỉ số phát triển con người của nước ta lên mức tương đương với các nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình trên thế giới. Tăng cường sức khỏe, giảm tỷ lệ bệnh tật; tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khoẻ mạnh; tiến hành các giải pháp can thiệp về kỹ thuật và xã hội nhằm giảm thiểu các yếu tố gây ảnh hưởng, làm suy thoái chất lượng giống nòi. Nâng cao trình độ dân trí, trình độ nghề nghiệp chuyên môn. Phát huy tiềm năng, tính năng động và phát triển toàn diện con người trong môi trường gia đình và cộng đồng an toàn, lành mạnh.

- Chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh; xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chương trình việc làm và đào tạo nghề nhằm tăng tỷ lệ việc làm, tận dụng cơ hội của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát huy nguồn lao động dồi dào, tạo công ăn việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề,... trong giai đoạn 2007-2022. Phát triển các dịch vụ xã hội thích ứng với giai đoạn cơ cấu dân số già ở nước ta từ năm 2015; từng bước hoàn thiện chế độ an sinh tuổi già; tăng cường giáo dục, truy cứu trách nhiệm người vi phạm chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ theo quy định của pháp luật.

- Cải tiến quản lý dân số theo phương thức quản lý dịch vụ công, ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng hệ cơ sở dữ liệu  dân số - kế hoạch hoá gia đình thống nhất trong phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu sử dụng chung của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong toàn xã hội và đảm bảo sự thuận tiện đối với người dân và yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia.

- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo sớm xây dựng và ban hành Luật Dân số.

- Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược Dân số, Chiến lược sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2001-2010, xây dựng Chiến lược Dân số- sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020 làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư đủ kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất và những điều kiện đảm bảo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án đã được phê duyệt về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn đến năm 2010 và sau năm 2010.

- Cấp ủy và chính quyền các cấp sớm ổn định và kiện toàn cơ quan chuyên trách làm công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình; thành lập Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình cấp tỉnh, huyện; tiếp tục duy trì ban dân số - kế hoạch hoá gia đình tuyến xã, nâng cao năng lực hoạt động, vai trò phối hợp liên ngành. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện tốt chính sách dân số.

- Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Y tế thường xuyên, chủ động hơn nữa trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị tại các địa phương, ban, ngành, đoàn thể và báo cáo định kỳ cho Ban Bí thư.

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

Đã ký

Trương Tấn Sang

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất