Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 6/6/2012 22:8'(GMT+7)

Khắc phục tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh

 Gia tăng tỷ số giới tính khi sinh

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế cho biết: TSGTKS đã tăng cao lên mốc 119 và có tới 29/61 tỉnh, thành phố trong cả nước có TSGTKS ở mức 109-119; đặc biệt có mười tỉnh, thành phố TSGTKS lên tới 120-128. Tỷ số này cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng như: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Ðịnh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình... Ðáng chú ý , Hưng Yên là tỉnh có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất cả nước khi mức chênh lệch trung bình là 131/100 trẻ. Theo số liệu, sáu tháng đầu năm, thị trấn Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên) có 90 trẻ sinh ra thì chỉ có 38 là nữ. Ngoài ra, một số xã có mức chênh lệch cao như: Ðình Dù (257/100); Chỉ Ðạo (158/100); Minh Hải (160/100), những con số này đã đưa tỉnh Hưng Yên là tỉnh đứng đầu cả nước về chênh lệch TSGTKS. Cùng với Hưng Yên, thành phố Hải Phòng cũng chênh lệch TSGTKS tăng cao: 146/100. Tại Hải Phòng, trong ba tháng đầu năm 2012, TSGTKS gia tăng giữa các lần sinh. Ở lần sinh đầu, tỷ số là 116 trẻ trai/ 100 trẻ gái, lần hai là 111,3 và tăng lên đột biến ở lần sinh thứ ba là 146. Trao đổi ý kiến với bác sĩ Phạm Tuyết Mai, Trưởng khoa đỡ đẻ Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, chúng tôi được biết, tình trạng mất cân bằng TSGTKS tại Hải Phòng diễn ra khá sớm. Ngay từ năm 2005, tỷ số này đã là 121,4, năm 2010 là 113. Còn năm nay được nhiều người coi là năm "đẹp" cho nên số ca sinh tăng đột biến. Cụ thể, ba tháng đầu năm, chỉ tính riêng tại bệnh viện, số trẻ sinh ra là 5.069 trẻ, tăng 969 trẻ so cùng kỳ năm ngoái, trong đó, số trẻ trai là 2.790, gái là 476 cháu. Còn tại Bắc Ninh, TSGTKS tăng nhanh trong những năm gần đây: Năm 2006 là 121, năm 2007 là 122, năm 2008 là 130 và 2011 ở mức 125. Với tỉnh Vĩnh Phúc, theo báo cáo, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đã tăng từ 114 năm 2009 lên 115 năm 2010 và 116 năm 2011 (bình quân mỗi năm tăng một điểm %). Bốn tháng đầu năm 2012, TSGTKS đã ở mức 117, 4 (tăng 1,4 điểm % so năm 2011). Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Vĩnh Phúc diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh cao ngay ở lần sinh thứ nhất và cao ở lần sinh cuối cùng, và tỷ số này lại nằm trong nhóm dân cư có thu nhập cao.

Nặng nề áp lực sinh con trai

Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Ðịnh Trần Trung Kiên cho biết: Trong một nghiên cứu "thực trạng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Nam Ðịnh", có tới 43,4% số dân Nam Ðịnh trả lời rằng họ bị áp lực phải sinh con trai. Họ bị cha mẹ chồng và chồng thúc ép, dằn vặt phải có "trách nhiệm", phải có người "nối dõi tông đường", "thờ cúng tổ tiên" cho nên họ phải tìm mọi cách để sinh bằng được con trai. Trong khi đó, Nam Ðịnh có tới ba huyện vùng biển, chiếm tới 36% dân số làm nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản và làm muối. Ở các gia đình ngư dân này, người đàn ông có công việc chính là đi biển. Và để có người đi biển, thì họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc "phải cố sinh" ít nhất có được một con trai - vì đó là người làm kinh tế cho gia đình. Có những gia đình mâu thuẫn nặng nề, dẫn tới bạo lực gia đình vì không sinh được con trai... Mặc dù các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương cũng đã tích cực chỉ đạo nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính, song thực tế chênh lệch TSGTKS tại Nam Ðịnh vẫn mất cân bằng nghiêm trọng, và thật sự chưa kiểm soát được, đồng chí Kiên cho hay. Chị Nguyễn Thị Ngà, tuyên truyền viên dân số của Trung tâm DS-KHHGÐ (TP Hải Phòng) chia sẻ: Là một tuyên truyền viên dân số, hằng ngày tôi có trách nhiệm đi vận động những gia đình đã sinh hai con hoặc sinh lần đầu để tuyên truyền về vấn đề chênh lệch giới tính hiện nay. Nhưng họa hoằn lắm mới có những cặp vợ chồng vui vẻ chia sẻ và cam kết thực hiện đúng chính sách DS-KHHGÐ, còn lại đều nói rất muốn sinh con trai, mà ngay từ lần sinh đầu đã phải lựa chọn giới tính con trai rồi. Tại các vùng ven biển thì 100% là phải có con trai, họ quan niệm, vì là dân vùng biển, nghề đánh bắt cá phải có con trai để đảm đương công việc, rồi trong nhà mà không có con trai thì coi như gia đình nhà đó không có nóc, phải có con trai để nối dõi tông đường, luôn coi con trai là chỗ dựa tuổi già, là lao động chính... nhiều lý do lắm. Nhiều lúc đi tuyên truyền, vận động cũng "oải" vì ý thức của người dân còn chưa thông.

Một nguyên nhân khách quan, nhưng lại là hành vi tiếp tay trực tiếp cho vấn đề chênh lệch TSGTKS hiện nay, theo đồng chí Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Sức khỏe và Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), đó là các phòng mạch y tế tư nhân chuyên về phụ sản. Các phòng mạch này chuyên tư vấn cho các đối tượng muốn sinh con trai, rồi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi sớm, và nạo hút thai sớm khi phát hiện ra giới tính của thai nhi không đúng như mong muốn. Với sự phát triển của y học, máy móc hiện đại, những phòng mạch tư nhân phát triển mạnh, nhu cầu sinh con trai của người dân thì càng cao, đây là nguyên nhân dẫn tới việc kiểm soát các hành vi vi phạm chính sách dân số ngày càng khó khăn.

Ðể giảm và ngăn ngừa tình trạng mất cân bằng TSGTKS, vừa qua Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Y tế cần có những biện pháp triệt để nhằm sớm khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch TSGTKS. Theo đó, Bộ Y tế cần phải đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và phải làm ngay để người dân hiểu và thay đổi quan niệm "trọng nam, khinh nữ". Việc tuyên truyền phải quyết liệt, sâu sát, thuyết phục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung trước tiên vào những địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất. Phải giám sát, xử lý triệt để, nghiêm khắc tình trạng nạo hút thai vì lý do giới tính. Tiếp đến là với những đối tượng là người cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, phải xử phạt thật mạnh, thậm chí thu giấy phép, đóng cửa các phòng mạch có hành vi như: tư vấn sinh con trai, siêu âm lựa chọn giới tính... Cần tăng cường nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; quan tâm vấn đề an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi để giải tỏa tâm lý phải sống dựa vào con trai khi về già.

Để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng TSGTKS, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự phân công cụ thể. Hiện nay, các biện pháp cho vấn đề này là chưa đủ mạnh. Nếu chúng ta không có thái độ nghiêm túc, không có biện pháp đúng đắn, quyết liệt, hệ lụy của việc mất cân bằng TSGTKS sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi của dân tộc...

Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN VIẾT TIẾN


Nguồn: Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất