Thứ Bảy, 30/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 7/10/2012 15:22'(GMT+7)

Trách nhiệm lịch sử

Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã liên tiếp vượt kỷ lục

Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã liên tiếp vượt kỷ lục

 Sự bất bình của dân chúng phản ánh những chia rẽ gay gắt trong nội bộ chính phủ của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault. Trong khi phần lớn thành viên Đảng Xã hội (PS) của Tổng thống Francois Hollande và phe đối lập lớn nhất là Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đều tuyên bố ủng hộ, thì hiệp ước lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía các đảng cánh tả, cực tả và Đảng Xanh. Những nghị sỹ có khuynh hướng xã hội mạnh mẽ cho rằng thông qua hiệp ước với mục tiêu siết chặt kỷ luật ngân sách của các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) tất yếu sẽ dẫn đến việc thực thi chính sách "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa; đồng thời gây tác động nặng nề trong bối cảnh sưu đã cao, thuế đã nặng và tỷ lệ thất nghiệp sắp lập kỷ lục mới.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Hollande tuyên bố hoàn toàn đồng tình với việc thiết lập "kỷ luật sắt" về ngân sách trong EU nhưng không ủng hộ đường lối chi tiêu hà khắc kéo dài. Quan điểm này của ông dường như đã "đánh trúng" niềm kỳ vọng của cử tri Pháp vốn đã quá ngán ngẩm với những chính sách kham khổ. Giờ đây, chưa thể nói rằng Hiệp ước tài chính Châu Âu hoàn toàn đi ngược lại với lập trường của ông chủ Điện Elysee. Nhưng đây là văn bản nếu được thực thi sẽ khiến nước Pháp phải căn cơ hơn trước. Dù đang nóng bỏng nhưng dư luận cho rằng cuối cùng bản hiệp ước sẽ vượt qua được cửa khó tại Quốc hội Pháp như đã từng vất vả để đạt được sự thỏa hiệp trước đó tại 7 quốc gia Châu Âu.

Với Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, việc có sự đồng thuận từ Quốc hội với hiệp ước là bài sát hạch quan trọng về uy tín của Chính phủ đương nhiệm. Trong khi phe đối lập khẳng định sẽ bỏ phiếu thuận để bảo vệ văn bản được xem như một sáng kiến của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy thì ngược lại, phe đa số đương nhiệm lại mỗi người một phách. Những nỗ lực vận động thêm đồng minh thay đổi quyết định trước giờ chót không chỉ để bảo đảm cho một chiến thắng mà quan trọng hơn nó còn thể hiện rằng phe đa số vẫn đang có sự liên kết mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, sự kiện Pháp trở thành quốc gia thứ 8 trong EU "nói có" với Hiệp ước tài chính còn là hình ảnh chính trị của Paris trong "con mắt" Châu Âu. Với vị trí là một đầu tàu kinh tế của liên minh, sẽ thật khó ăn khó nói nếu như nước Pháp không hậu thuẫn một chính sách nhằm siết chặt kỷ luật chi tiêu bằng các biện pháp thu chi khắc khổ qua những lá phiếu mở đường cho hiệp ước có hiệu lực.

Được 25/27 thành viên EU ký kết vào cuối tháng 3 vừa qua nhưng Hiệp ước tài chính do Đức và Pháp đề xuất sẽ không thể thành hiện thực nếu không được sự thông qua của ít nhất 12 quốc gia trong liên minh. Quy định rõ ràng mỗi quốc gia thành viên có thâm hụt ngân sách quá 3% GDP sẽ lập tức tự động bị trừ 0,1% GDP và số tiền đó sẽ được chuyển vào Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF), EU muốn mạnh tay chữa trị căn bệnh "vung tay quá trán" là nguồn cơn dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại Châu Âu. Với những ràng buộc chặt chẽ về ngân sách không để thâm hụt vượt quá 3% GDP dù đã được đề ra từ lâu nhưng thường xuyên bị vi phạm, lãnh đạo Châu Âu cũng hy vọng hiệp ước sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết để ứng phó với cơn bão tài chính và thiết lập được bức tường lửa mới nhằm ngăn ngừa sự trở lại một lần nữa của "quái thú" nợ nần.

Từng nhận được nhiều phàn nàn về quản lý lỏng lẻo cách tiêu tiền của các thành viên để rồi phải nhận hệ lụy là một cuộc khủng hoảng kéo dài, Hiệp ước tài chính Châu Âu được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống chính sách quan trọng để liên minh chính trị lớn nhất thế giới tìm được hồi kết cho cơn biến cố hiện thời. Do vậy, với nước Pháp, đây là một thời điểm sống còn về cả đối nội lẫn đối ngoại không thể bỏ lỡ. Nói như Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, quyết định lần này mang trách nhiệm lịch sử không chỉ với nước Pháp mà còn với sự tồn vong và hưng thịnh của Lục địa già./.

HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất