Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 7/10/2012 15:22'(GMT+7)

Venezuela sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Hugo Chavez

 

Những chỉ số kinh tế ấn tượng

Trong 13 năm cầm quyền của Tổng thống Hugo Chavez, nền kinh tế Venezuela phải trải qua hai cuộc suy thoái. Cuộc suy thoái đầu tiên do cuộc tổng bãi công của ngành dầu khí Venezuela và cuộc suy thoái thứ hai do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008-2009.

Gần một phần tư thế kỷ trước khi Tổng thống Chavez lên nắm quyền vào năm 1998, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Venezuela khá bất ổn: kinh tế suy giảm, tỷ lệ lạm phát cao với mức kỷ lục là 103,2% năm 1996 dưới thời Tổng thống Rafael Caldera; tình trạng tham nhũng, tỷ lệ đói nghèo, tội phạm, thất nghiệp đều ở mức cao. Trong suốt bốn năm đầu tiên của chính quyền Chavez, khi chính phủ không kiểm soát tập đoàn dầu khí quốc gia (PDVSA), tình hình kinh tế Venezuela cũng không mấy sáng sủa. Những bất ổn về kinh tế, chính trị lên đến đỉnh điểm dẫn đến cuộc đảo chính quân sự vào tháng 4-2002 và cuộc tổng bãi công ngành dầu khí (từ tháng 12-2002 đến 2-2003).

Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, cuộc tổng bãi công ngành dầu khí đã gây ra một cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế Venezuela, khiến GDP giảm tới 29% trong năm 2002 (từ gần 123 tỷ USD trong năm 2001 xuống còn gần 93 tỷ USD trong năm 2002 và xấp xỉ 83,6 tỷ USD trong năm 2003, theo số liệu của Ngân hàng thế giới - WB).

Ngay sau khi cuộc tổng bãi công ngành dầu khí kết thúc, các nhà phân tích đã dự đoán một tương lai tồi tệ của nền kinh tế Venezuela với một quá trình hồi phục khó khăn và chậm chạp. Tuy nhiên, không như những dự đoán trước đó, kinh tế Venezuela đã phục hồi rất nhanh chóng và tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong vòng năm năm sau đó, với GDP thực tế tăng gần gấp đôi từ thời điểm kết thúc cuộc cuộc tổng bãi công ngành dầu khí (quý I/2003) cho đến quý IV/2008 (với GDP trong năm 2008 đạt tới hơn 315,6 tỷ USD, theo số liệu của WB).

Tuy nhiên, đến quý IV/2008, khi giá dầu thế giới lao dốc, giảm mạnh tới 50% từ 118 USD/thùng xuống còn 58 USD/thùng, nền kinh tế Venezuela một lần nữa lại rơi vào khủng hoảng bắt đầu từ quý I/2009. Tại thời điểm này, một viễn cảnh u ám lại được các nhà phân tích vạch ra cho nền kinh tế Venezuela. Theo WB, trong hai năm 2009 và 2010, GDP của Venezuela đều âm với tỷ lệ lần lượt là -3,5% và -1,5%. Tuy nhiên, đến năm 2011, kinh tế Venezuela đã phá vỡ mọi dự đoán khi tăng trưởng GDP vọt lên mức 4,2% và tăng 5,6% trong nửa đầu năm 2012.

Tính đến thời điểm hiện tại, kinh tế Venezuela hiện đã tăng chín quý liên tiếp, bắt đầu từ quý II/2010 đến quý III/2012. Về tình hình nợ công, theo tính toán của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) nợ công của Venezuela ở mức 45,5% GDP. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát trong tháng 7-2012 của Venezuela lần đầu tiên ở dưới mức 20% kể từ năm 2008 và tiếp tục giảm xuống còn 18,1% trong tháng 8-2012.

Thị trường lao động cũng cho thấy những tín hiệu khả quan khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7,9% trong tháng 8-2012, so với mức 15% trong năm 1999 và mức đỉnh 17,8% trong năm 2003 (theo số liệu của Viện Dữ liệu quốc gia Venezuela – INE).

Một dữ liệu đáng chú ý khác là về thu nhập bình quân đầu người của Venezuela. Giai đoạn 1980-1998, GDP bình quân đầu người của Venezuela giảm tới 14%, thuộc top thấp trong khu vực. Từ năm 1998 trở đi, GDP trên đầu người dần được cải thiện ở mức vừa phải và tăng nhanh hơn từ khi ổn định chính trị được phục hồi và chính phủ nắm được quyền kiểm soát ngành dầu khí. Theo số liệu của WB, GDP bình quân đầu người của Venezuela trong năm 1997 chỉ ở mức 3.739 USD, đến năm 2011 con số này đã tới mức 10.810 USD.

Tính từ năm 2004 cho đến nay, GDP bình quân đầu người của Venezuela tăng trung bình 2,5% mỗi năm. Nhờ đó, tỷ lệ người nghèo và nghèo cùng cực tại Venezuela đã giảm đáng kể, nếu như nửa cuối năm 1997, tỷ lệ người nghèo chiếm 54,5%; nghèo cùng cực chiếm 23,4% dân số Venezuela thì đến nửa cuối năm 2011 con số này lần lượt là 31,9% và 8,6%.

An sinh xã hội được chú trọng

Trong suốt 13 năm cầm quyền, Tổng thống Hugo Chavez được biết đến rộng rãi là một người rất chú trọng đến các chương trình an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là tầng lớp người nghèo. Nhờ các khoản đầu tư của chính phủ bằng lợi nhuận thu được từ dầu mỏ vào các chương trình an sinh xã hội, một số lượng lớn người dân Venezuela đã cải thiện được đời sống, có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở…

Theo thông tin đăng tải trên Thông tấn xã Venezuela (AVN) ngày 24-9, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Venezuela Rafael Ramirez khẳng định, trong vòng 10 năm của cuộc cách mạng Bolivia, chính phủ Venezuela đã lấy nguồn thu từ dầu mỏ đầu tư hơn 400 tỷ USD vào các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Đáng chú ý như chương trình hỗ trợ nhà ở, chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2012, chính phủ Venezuela đã cấp hơn 80 tỷ bolivares (Bs.) (tương đương với 20 tỷ USD) để xây dựng nhà ở cho người dân Venezuela, thông qua chương trình hỗ trợ nhà ở của chính phủ.

Ông Ramirez cho biết, từ năm 2011 cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Venezuela đã trao tận tay 252.767 ngôi nhà cho các gia đình Venezuela. Ngoài ra, còn hơn 415 nghìn ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng.

Trong lĩnh vực giáo dục, theo thông tin đăng tải trên AVN ngày 17-2, tính đến năm 2011, ngân sách cấp cho giáo dục tại Venezuela đã vượt 45 tỷ bolivares (Bs.). Phát biểu sau lễ khánh thành các cơ sở dạy học tại Caracas, ông Chavez cho biết, 11 năm trước khi diễn ra cuộc cách mạng Bolivia, số học sinh đi học tại Venezuela chỉ tăng 11%. Trong khi đó, dưới thời chính phủ Bolivia có gần tám triệu học sinh ở các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, tăng tới 25%.

Tỷ lệ học sinh mầm non (từ 3-5 tuổi) tăng từ 47% lên đến 71% sau khi diễn ra cuộc cách mạng Bolivia. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh không được lên lớp giảm từ 10% xuống còn 4% trong khi tỷ lệ thôi học giảm từ 8% xuống còn 0,5%.

Trong lĩnh vực phòng chống tội phạm bạo lực, chính phủ Venezuela đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm giảm xuống mức thấp nhất tỷ lệ tội phạm bạo lực tại nước này.

Năm 2002, chính phủ Venezeula đã ban hành quy định yêu cầu những người sở hữu súng kê khai vũ khí vào hồ sơ của quân đội. Một đạo luật nghiêm khắc hơn, được thông qua vào năm 2010 có thể phạt tù những người buôn lậu vũ khí tới 16 năm. Tháng 5-2011, Tổng thống Chavez đã thành lập Ủy ban Tổng thống chuyên phụ trách về việc lên kế hoạch, thúc đẩy và thực thi các chính sách công hướng vào việc quản lý sử dụng súng và giải trừ quân bị. Tháng 12-2011, chính phủ tiếp tục công bố một loạt biện pháp nhằm kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc sử dụng vũ khí trong đó có việc cấm sở hữu vũ khí ở những nơi công cộng.

Mới đây nhất, hồi đầu năm 2012, chính phủ Venezuela đã ban bố lệnh tạm ngừng nhập khẩu và mua bán súng trong vòng một năm, đồng thời khuyến khích, vận động công dân kê khai súng. Lệnh tạm ngưng mua bán súng bắt đầu từ ngày 29-2, áp dụng trên toàn quốc, bao gồm cả một lệnh cấm tiếp thị các loại vũ khí.

Theo quy định mới được ban hành, các cửa hàng bán vũ khí phải kê khai kho hàng, chuyển giao vũ khí và các loại chất nổ cho lực lượng quân đội nắm giữ trong vòng một năm. Việc mua bán và các cửa hàng bán súng phải đóng cửa từ 1-6-2012. Quy định mới không áp dụng với việc mua bán đạn dược, vũ khí phục vụ cho lực lượng quận đội quốc gia, các công ty an ninh tư nhân có đăng ký và các vận động viên môn thể thao bắn súng.

Bên cạnh việc ban hành các quy định quản lý nghiêm ngặt, chính phủ Venezuela cũng tổ chức các chiến dịch cổ động với sự tham gia của truyền thông nhà nước, tư nhân và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức để ngăn chặn văn hóa tội phạm bạo lực và thúc đẩy những giá trị hòa bình trong xã hội.

Venezuela đã đạt được kết quả nhất định trong việc tịch thu tiêu hủy vũ khí với việc tiêu hủy hơn 250 nghìn súng cầm tay các loại trong giai đoạn 2003-2011. Phát biểu tại hội nghị về kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị tại Caracas hồi đầu năm 2012, William Godnick, điều phối viên thuộc trung tâm hòa bình, giải trừ quân bị và phát triển của Liên hợp quốc tại khu vực Mỹ Latinh đã đánh giá cao những nỗ lực về quản lý, kiểm soát việc sử dụng súng và giải trừ quân bị của chính phủ Venezuela thông qua việc thực thi một số chính sách nhằm chống lại tội phạm bạo lực và bảo đảm an ninh cho người dân.

Còn nhiều việc phải làm

Những thành tựu mà chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đã đạt được trong 13 năm qua về kinh tế, chính trị, xã hội là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được nhằm bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững, tình hình chính trị - xã hội ổn định, vị tổng thống Venezuela trong nhiệm kỳ kế tiếp sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất là về bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Chavez đã thực thi nhiều chính sách kinh tế như cải cách ruộng đất, dân chủ hóa hoạt động kinh tế, thực hiện chương trình quốc hữu hóa trong nhiều lĩnh vực đáng chú ý như: dầu khí, nông nghiệp, tài chính, công nghiệp nặng, khai mỏ…; từng bước tăng khả năng tự chủ độc lập khỏi Mỹ và phương Tây bằng việc nâng cao sản lượng dầu mỏ, tăng cường hội nhập kinh tế và chính trị với các quốc gia Mỹ Latinh khác.

Trong nửa năm đầu 2012, kinh tế Venezuela tăng trưởng 5,6% tuy nhiên phần lớn là nhờ lĩnh vực xây dựng tăng trưởng tới 22,5% trong nửa năm đầu 2011, do chính phủ đầu tư mạnh tay cho chương trình xây nhà ở cho người dân. Trên thực tế, năm 2011, các ngành phục vụ công cộng, vận tải, thương mại và sửa chữa, viễn thông, tài chính và bảo hiểm đã bắt đầu tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nền kinh tế Venezuela vẫn phụ thuộc phần lớn vào ngành công nghiệp dầu khí. Do đó, nó rất dễ bị tác động khi có những biến động trong thị trường dầu mỏ. Bản thân nền kinh tế Venezuela đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc tổng bãi công ngành dầu khí và giá dầu lao dốc thảm hại trong quý IV/2008.

Vì vậy, để có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, một trong những điều kiện tiên quyết là chính phủ Venezuela phải đưa ra được những chính sách kinh tế thích hợp, tìm cách đa dạng hoá các ngành kinh tế để từng bước giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí.

Thứ hai, các vấn đề an sinh xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức đối với vị Tổng thống Venezuela trong nhiệm kỳ tới. Về vấn đề nhà ở, hiện tại nhu cầu về nhà ở của người nghèo vẫn rất cao, Venezuela cần xây dựng ít nhất thêm hai triệu ngôi nhà nữa mới đáp ứng đủ nơi ở cho người nghèo đang sống tạm bợ tại các khu ổ chuột.

Trong lĩnh vực giáo dục, mặc dù chính phủ Venezuela đã đạt được tiến bộ trong việc tăng đầu tư cho giáo dục và tăng tỷ lệ học sinh đến trường, theo WB, gần 200 nghìn trẻ em Venezuela trong độ tuổi đi học không được đến trường, 5% người trưởng thành mù chữ và 6% trẻ em nữ bỏ học trước khi hoàn thành bậc tiểu học, trong khi đó con số này với học sinh nam là 10%. Hơn nữa, theo báo cáo của UNICEF, trong số 67% số học sinh nam và 75% số học sinh nữ tiếp tục theo học cấp trung học cơ sở thì tỷ lệ theo học thường xuyên lần lượt chỉ là 30% và 43%.

Một vấn đề nhức nhối khác là tỷ tội phạm tại Venezuela vẫn gia tăng bất chấp chính phủ nước này thường xuyên tăng cường nhiều biện pháp phòng chống nghiêm ngặt. Theo cơ quan điều tra khoa học, tội phạm và pháp y của Venezuela (CICPC), trong năm 2011, tại Venezuela có tới 18.850 vụ án mạng, tăng 30% so với năm trước đó.

Hôm nay, ngày 7-10 (theo giờ địa phương), 18,9 triệu cử tri Venezuela sẽ đi bỏ phiếu chọn ra nhà lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ tới. Dẫu người dân Venezuela lựa chọn ai đi chăng nữa thì vị Tổng thống Venezuela trong nhiệm kỳ tới sẽ còn nhiều việc phải làm, kế thừa những thành tựu và nhận rõ thách thức để đưa kinh tế Venezuela phát triển bền vững, cải thiện đời sống và tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh cho toàn thể người dân Venezuela.

Theo Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất