Liên hợp quốc tiếp tục lên tiếng báo động tình trạng khan hiếm nước đang lan rộng trên toàn cầu và đe dọa nghiêm trọng sản xuất lương thực trên thế giới.
Trong báo cáo công bố ngày 26/7, các quan chức tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này nêu rõ nhu cầu lương thực ngày càng tăng trên toàn cầu đã khiến nhiều nước khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cho đến nay, nguồn nước ngầm đã giảm mạnh và cạn kiệt ở 20 quốc gia với dân số chiếm tới 50% dân số thế giới.
Tình trạng khan hiếm nước phục vụ nông nghiệp ở 3 quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đặc biệt đáng lo ngại. Ở hầu hết các bang sản xuất nông nghiệp của Mỹ, khai thác nguồn nước ngầm đã đạt đỉnh cao và đang giảm mạnh.
Tại bang California, bang có diện tích sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Mỹ, nguồn nước ngầm cạn kiệt và nhu cầu nước ở các thành phố tăng nhanh nên diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới nước đã giảm từ 3,6 triệu hécta năm 1997 xuống còn 3 triệu hécta năm 2010.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ đang phải đối phó với nạn thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp nghiêm trọng hơn cả Mỹ. Năm 2005, nguồn cung cấp lương thực cho 175 triệu dân được sản xuất từ nguồn nước ngầm.
Nhiều thập kỷ khai thác, nguồn nước ngầm ở nhiều bang của Ấn Độ đang cạn kiệt, đe doạ bong bóng sản xuất lương thực dựa trên khai thác nước ngầm sắp nổ.
Còn tại Trung Quốc, các tỉnh thành ở phía Bắc sản xuất tới 50% lượng lúa mì và 1/3 lượng ngô của nước này đã rơi vào tình trạng khan hiếm nước do nguồn nước ngầm đang giảm nhanh và lượng mưa thấp. Khai thác quá mức nguồn nước ngầm đang đe doa nguồn cung cấp nước cho 130 triệu người Trung Quốc.
Tình hình tại Mexico cũng đáng báo động khi nhu cầu nước của 111 triệu dân nước này đã vượt xa nguồn cung cấp và WB cảnh báo bong bóng lương thực sắp nổ. Khan hiếm nước cũng đe dọa trực tiếp an ninh lương thực của khu vực Trung Đông.
Năm 2008, Arập Xêút là quốc gia đầu tiên trên thế giới thừa nhận bong bóng lương thực đã nổ vì nguồn nước ngầm hỗ trợ sản xuất lúa mì đã cạn kiệt.
Sản lượng ngũ cốc ở Yêmen đã giảm hơn 30% trong vòng 40 năm qua và quốc gia này đã phải nhập khẩu 80% nhu cầu ngũ cốc. Khan hiếm nước cũng đe doạ an ninh lương thực của các Syria, Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Afghanistan, Pakistan.../.
(Theo TTXVN)