Thứ Ba, 26/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 22/7/2011 20:57'(GMT+7)

Suy kiệt và ô nhiễm nguồn nước đang hiện hữu

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo nhận xét của GS.TS Ngô Đình Tuấn, Trường Đại học Thủy lợi: Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững đã và đang gây suy giảm tài nguyên nước, trong khi hiệu quả sử dụng nước còn thấp, tình trạng lãng phí trong sử dụng nước còn phổ biến trong phạm vi cả nước. Chẳng hạn như nước được dùng cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và lưu vực sông Hồng, chiếm tới 70% lượng nước sử dụng. Tuy vậy, diện tích thực tưới thấp hơn nhiều so với diện tích thiết kế (chỉ đạt 68% tổng diện tích được tưới), chứng tỏ hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp chưa cao. Việc khai thác các hồ chứa thủy lợi cũng đang gây ra nhiều vấn đề về điều tiết nước trên lưu vực, cấp nước và duy trì dòng chảy môi trường hạ du, vì các công trình này hầu hết không có nhiệm vụ thiết kế để xả nước xuống hạ du trong mùa cạn.

Về sử dụng nước cho công nghiệp: Nhóm sông có tỷ lệ dùng nước cho công nghiệp cao nhất là lưu vực sông Hồng-Thái Bình, chiếm gần 1/2 tổng lượng nước sử dụng cho ngành công nghiệp cả nước. Trong đó 25% sử dụng nước công nghiệp diễn ra ở lưu vực sông Đồng Nai; 7% ở nhóm sông Đông Nam Bộ và 10% ở lưu vực Cửu Long. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng nước dưới đất cho công nghiệp rất lớn, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có đến 57% doanh nghiệp sử dụng nước nưới đất. Dự báo đến năm 2015, khối lượng nước sử dụng trong công nghiệp sẽ tăng gấp đôi so với năm 2006, mức độ tăng sẽ chủ yếu diễn ra ở lưu vực sông vốn đã là một cơ sở công nghiệp lớn là các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Đồng Nai, nhóm sông Đông Nam Bộ, Cửu Long và Vu Gia-Thu Bồn.

Hiện các hồ, kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải. Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu tập trung dân cư khá nghiêm trọng. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao và có xu hướng ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nguồn nước sông để cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương. Nhiều khu công nghiệp ở một số tỉnh và thành phố như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đang hàng ngày xả hàng triều m3 nước thải không qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng; nước sông Cầu, sông Đồng Nai đang trong tình trạng báo động.

PGS.TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Tại Hà Nội, tổng lượng nước thải của thành phố khoảng 300-400 nghìn m3/ngày. Lượng nước thải chỉ được xử lý sơ bộ hoặc trong các bể tự hoại, các bể lắng trong các tuyến thoát nước chung, nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao như BOD2 từ 50-190mg/l, NH+4 từ 3-25mg/l, COD từ 90-495mg/l. Thành phố Việt Trì mỗi ngày thải vào sông Hồng 100.000m3, trong đó nước thải công nghiệp chiếm 30%. Nước thải có chất dịch đen gồm các chất thải rất nguy hiểm đối với môi sinh như lignin, sulfua hữu cơ, axit béo, các chất hữu cơ mạch vòng có chứ clo...Còn lượng nước thải công nghiệp của TP.Hồ Chí Minh xả ra môi trường 400.000m3/ngày. Một số ngành công nghiệp như hóa chất, phân bón, chế biến khai thác khoáng sản có lượng nước thải lớn chứa nhiều yếu tố độc hại được thải trực tiếp ra các sông, ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngành thủy sản cũng thải ra một lượng nước thải lớn từ công nghiệp chế biến như nước thải sản xuất, nước thải vệ sinh công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho rằng: Luật Tài nguyên nước ban hành năm 1998 là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta. Tuy vậy, qua hơn 12 năm thực hiện, Luật cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập nên Bộ đã và đang tập trung sửa đổi, bổ sung Luật với mục tiêu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tài nguyên nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thúc đẩy quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên nước trước tình trạng sử dụng tài nguyên nước không bền vững và nguy cơ ô nhiễm gia tăng, phòng chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quản lý tài nguyên nước là quản lý lưu vực sông để điều hòa, phân bổ nguồn nước, phối hợp điều tiết nguồn nước trên sông sử dụng tổng hợp đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ, cấp nước cho hạ du và các mục đích khác. Dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể các nội dung về quản lý lưu vực sông, phân loại lưu vực sông, tổ chức bộ máy quản lý, điều phối hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông; phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và gắn trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước về lưu vực sông. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung các quy định về bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép các hoạt động xả nước thải.../.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất