Trong hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết: đến thời điểm này Thanh Hóa là tỉnh có số lượng bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng lớn nhất miền Bắc với 1.163 trường hợp mắc tại 25/27 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.
* Ngày 26/8, trong hội nghị giao ban phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết: đến thời điểm này Thanh Hóa là tỉnh có số lượng bệnh nhân mắc bệnh chân tay miệng lớn nhất miền Bắc với 1.163 trường hợp mắc tại 25/27 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh. Ở Thanh Hóa, dịch bệnh chân tay miệng diễn biến khá phức tạp, không có qui luật, rải rác và khó xác định về dịch tễ học nên rất khó kiểm soát. Bệnh nhân mắc tay chân miệng ở Thanh Hóa chủ yếu tập trung tại huyện Triệu Sơn (223 trường hợp), Thành phố Thanh Hóa (123 trường hợp), Quảng Xương (106 trường hợp)... trong đó 92% trường hợp là bệnh nhi dưới 5 tuổi, không chỉ ở nhà trẻ, mẫu giáo mà rải rác trong cộng đồng. Vì vậy, phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế trong những tháng tiếp theo với phương châm 3 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và xử lý tại chỗ.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Thanh Hóa cũng xác định tháng 9 là thời điểm khai giảng năm học mới nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy, liên ngành y tế và giáo dục đã tập trung mở nhiều lớp tập huấn về xử lý và phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cho giáo viên mầm non và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành giáo dục Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trường học mầm non, nhà trẻ, trường tiểu học đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường như làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi vật dụng của trẻ tại nhà trẻ bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Cloramin B và thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng... Các đơn vị trường học có bếp ăn tập thể phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học và các biện pháp xử lý ổ dịch, cách ly khi có bệnh nhân.
Ngành y tế Thanh Hóa đã yêu cầu Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thường xuyên kiểm tra, báo cáo các bệnh nhân vào điều trị tay chân miệng để phối hợp giám sát, xác minh ca bệnh và chẩn đoán bệnh tại cộng đồng, đồng thời thành lập đội điều trị cơ động, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết. Công ty Dược vật tư y tế và Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế chuẩn bị, dự trữ và cung ứng đầy đủ thuốc men, hóa chất khử khuẩn, đảm bảo đủ thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, đảm bảo không để thiếu thuốc phòng chống dịch.
* Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai đã có 72 ca mắc bệnh tay-chân-miệng (đa số là các bệnh nhi từ 1 tuổi đến 5 tuổi) và chỉ riêng trong tháng 8 đã có đến trên 30 ca phải nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Điều đáng quan tâm nhất là các ca mắc bệnh lại không tập trung ở một nơi mà nằm rải rác ở nhiều địa phương, khiến tiềm ẩn mối nguy cơ lây lan thành đại dịch nếu các địa phương không chủ động công tác phòng, chống dịch.
Để đối phó với tình trạng này, tỉnh Gia Lai cũng đã chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị để phục vụ cho công tác dập dịch. Hiện Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh có khoảng 2 tấn hóa chất Chloramin B đảm bảo đủ để phun, xử lý môi trường nơi phát hiện các ca bệnh và đang đề nghị Sở Y tế bổ sung thêm kinh phí mua khoảng 3 tấn hóa chất dự phòng nữa để cấp phát cho các địa phương, đặc biệt là các cơ sở giáo dục, các trường mầm non trong toàn tỉnh.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế Dự phòng trong việc lấy mẫu bệnh gửi đi xét nghiệm để có hướng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân đã nhập viện; chuẩn bị tốt và đầy đủ các khu vực cách ly để tiếp nhận bệnh nhân. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi phát hiện trẻ có các triệu chứng như sốt, loét miệng, phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối, các bậc phụ huynh cần sớm cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra; cần vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh trong quá trình chăm sóc để hạn chế việc lây bệnh./.
Theo TTXVN