Thứ Ba, 8/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 17/7/2009 13:44'(GMT+7)

Khánh Hoà - 20 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

Một góc Thành phố biển Nha Trang - Khánh Hoà

Một góc Thành phố biển Nha Trang - Khánh Hoà


Ngày 01/7/1989, tỉnh Khánh Hòa được tái lập theo Quyết định số 83-QĐ/TW, ngày 04/3/1989 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VI) và Nghị quyết ngày 30/6/1989 của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII.

Trong 20 năm (1989-2009) xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đã không ngừng phấn đấu, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tiềm năng và thế mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển theo hướng CNH-HĐH, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. GDP tăng bình quân mỗi năm gần 11%; GDP bình quân đầu người trong 15 năm (1995-2008) tăng gấp gần 4 lần, năm 2008 đạt 1.200 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ và du lịch sang dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Năm 2008, kinh tế dịch vụ, du lịch chiếm 42,94%, công nghiệp chiếm 40,73%, nông nghiệp chiếm 16,33% tổng GDP; tổng thu ngân sách nhà nước tăng gấp gần 100 lần, năm 2008 đạt trên 5.050 tỷ đồng. Từ năm 2003, Khánh Hòa đã là một trong 15 tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho Trung ương và từ năm 2005 đến nay là một trong 8 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất của cả nước.

Vận dụng linh hoạt các chính sách, chủ trương của Trung ương, tỉnh đã có quyết định đầu tư đúng hướng, chủ động xây dựng cơ chế, huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hàng trăm công trình trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng, đường Khánh Lê - Lâm Đồng, Nhà máy thủy điện EaKrong Rou…, hệ thống công viên bờ biển và nhiều khu du lịch nổi tiếng (Vinpearl Land, Hòn Tằm, Diamond Bay…), nâng cấp Cảng hàng không Cam Ranh thành cảng hàng không quốc tế, quy hoạch các khu kinh tế Vân Phong, trung tâm Nha Trang và khu vực Cam Ranh… Cùng với sự kiện thành phố Nha Trang được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế, quảng bá sâu rộng hình ảnh, tiềm năng của Khánh Hòa với cả nước và thế giới.

Tỉnh cũng đã quan tâm tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế, nên đã khơi dậy các nguồn lực, tạo sự năng động sáng tạo cho các thành phần kinh tế trong tỉnh phát triển. Các doanh nghiệp đã tập trung mở rộng quy mô và đầu tư có chiều sâu cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Trong đó doanh nghiệp nhà nước của tỉnh là lực lượng nồng cốt trong tăng trưởng kinh tế của địa phương. Năm 2008, toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp nhà nước, nhìn chung đều hoạt động có hiệu quả, đóng góp trên 30% GDP và 40% ngân sách của tỉnh, trong đó nổi bật là Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào… Song song với đó, kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Khánh Hòa cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều mô hình mới đã hình thành và phát triển như mô hình liên hiệp HTX; quỹ tín dụng nhân dân; HTX nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp, các HTX phi nông nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh... Hiện nay, toàn tỉnh có 121 HTX và liên hiệp HTX trong nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và một số ngành khác; có 5.170 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động có hiệu quả. Kinh tế ngoài nhà nước phát triển nhanh, đóng góp trên 60% GDP. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đến tháng 6/2008, trên địa bàn tỉnh có 66 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, đóng góp gần 10% GDP toàn tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chất lượng giáo dục-đào tạo có những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô giáo dục và đào tạo phát triển nhanh và tương đối đồng đều. Các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được nâng cấp và mở rộng. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến năm 2005, 100% xã phường đã có trạm y tế. Các bệnh viện tuyến huyện được nâng cấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng mới và trang thiết bị y tế hiện đại. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt nhiều kết quả khả quan. Tỷ suất sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm giảm dần.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ đều có bước phát triển khá. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai có hiệu quả; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được giữ vững và phát huy tác dụng; tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình có bước phát triển về số lượng và chất lượng. Phong trào thể dục thể thao và công tác xã hội hóa thể dục thể thao có nhiều tiến bộ; thể thao thành tích cao được duy trì, luôn đứng vào tốp dẫn đầu của cả nước trong nhiều giải thi đấu.

Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống còn 8,12% theo chuẩn quốc gia. Hàng năm tạo việc làm mới cho hơn 22.000 lao động, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm trên 26%.

Việc triển khai thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đầu tư phát triển đối với khu vực miền núi luôn được quan tâm, chú trọng, mà trọng tâm là các lĩnh vực giáo dục, xóa đói giảm nghèo và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tác động tích cực đến đời sống của bà con. Bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh đầu tư gần 60 tỷ đồng cho miền núi. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi ngày càng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, công tác quốc phòng-an ninh thường xuyên được củng cố và tăng cường, gắn kết chặt chẽ giữa thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Tinh thần cảnh giác cách mạng được đề cao, kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội được duy trì thường xuyên và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh luôn được coi trọng từ khâu giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đến khâu tổ chức, sắp xếp bố trí cán bộ. Các cấp ủy coi trọng thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Từ năm 2007- 2009, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng phấn khởi; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chất lượng và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng và phát triển đảng viên thường xuyên được quan tâm thực hiện. Tính đến nay, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa có 15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 688 tổ chức cơ sở đảng với 23.814 đảng viên, trong đó có 219 đảng bộ cơ sở. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh hàng năm đều tăng, năm 2008 đạt 87,06%. Công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; các cấp ủy kịp thời phát hiện, uốn nắn và chấn chỉnh những sai phạm của đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng; đưa ra khỏi Đảng những phần tử biến chất, thoái hóa…

Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều đổi mới tích cực theo hướng tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, tôn trọng ý kiến và kiến nghị của cử tri, nâng cao lòng tin của quần chúng đối với Đảng và chính quyền các cấp. Phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể từng bước được đổi mới và có chất lượng. Triển khai Quy chế thực hiện dân chủ cơ sở một cách tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy.

Hai mươi năm vận dụng linh hoạt, sáng tạo và thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và dựa vào dân, phát huy khối đoàn kết toàn dân, Khánh Hòa đã chuyển mình trong tiến trình đổi mới, liên tục phát triển, gặt hái được những thành tựu to lớn, tạo dựng diện mạo và một nguồn lực mới đáng tự hào. Song, những gì đã làm được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng đất và con người Khánh Hòa. Với niềm tin tưởng sâu sắc, với ý chí, nghị lực vươn tới một tầm cao mới, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phát huy những thành tựu đã đạt được, quyết tâm nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh nhà tiếp tục tăng tốc và cất cánh trong thời kỳ mới./.

Lương Nguyễn Quốc Phong
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất