Thứ Tư, 25/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 22/6/2012 21:10'(GMT+7)

Khánh Hòa: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng

Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng

 Khánh Hòa có vùng nông thôn rộng lớn gồm 9 huyện, thị xã, thành phố. Có 105 xã ( trong đó có 2 xã thuộc huyện đảo Trường Sa). Trừ các xã của huyện đảo Trường Sa và các xã được cộng nhận là đô thị loại V, hiện nay toàn tỉnh có 94 xã (8 huyện, thị, thành phố) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn Khánh Hòa có nhiều khởi sắc: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 70 % đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn được nhựa hoặc xi măng hóa; gần 90% kênh mương loại II, loại III được kiên cố hóa; 97,2% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 90% tỷ lệ nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% xã có trạm y tế và trường tiểu học; trên 91% có trường mẫu giáo; 57,7 % xã có chợ; 100% có điểm bưu điện văn hóa xã hoặc bưu cục, trên địa bàn nông thôn đã được phủ sóng điện thoại và internet. Toàn tỉnh có trên 80% hộ dân xây nhà kiên cố và bán kiên cố; không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng nông thôn Khánh Hòa với 19 tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì hầu hết các xã chưa có quy hoạch nông thôn mới; mức độ hóa cứng giao thông nông thôn và giao thông nội đồng mới đạt 60 - 70 %; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp, hầu hết các xã chưa đạt tiêu chí nhà văn hóa, khu thể thao theo quy định; chợ nông thôn chưa đảm bảo yêu cầu; các mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn còn nhỏ lẻ; việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất chưa mạnh, mối liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển, công nghiệp chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển chưa mạnh, chưa thu hút doanh nghiệp về kinh doanh ở nông thôn. Việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất chưa thực hiện được nhiều đã hạn chế việc đưa tiến bộ kỹ thuật và cơ giới vào sản xuất, môi trường nông thôn còn nhiều bức xúc.Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội … ở một số địa phương chưa tốt, tệ nạn xã hội ở nông thôn còn phức tạp. Đời sống nhân dân tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, chênh lệnh thu nhập giữa nông dân và các tầng lớp dân cư khác còn cao. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu…

Kết quả đánh giá thực trạng nông thôn toàn tỉnh có 4/94 xã (tỷ lệ 4,2%) đạt từ 11-12/19 tiêu chí; 54/54 xã (56,8%) đạt từ 5-9 tiêu chí; 36/94 xã (37,9%) đạt từ 2 - 4/19 tiêu chí.

Nhận thức tầm quan trọng về xây dựng nông thôn mới và quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 09 -NQ/TU, ngày 11/7/2011 về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2030. Đây là một trong 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015.Với mục tiêu tổng quát: Xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn quốc gia; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, dân trí được nâng cao, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới; đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần ngày được nâng cao, thu ngắn khoảng cách mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn, tạo nền tảng chính trị, kinh tế - xã hội vững chắc, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trong 2 năm 2011-2012, tập trung công tác khảo sát, xây dựng đề án, hoàn thành quy hoạch cho 94 xã; đồng thời kiện toàn hệ thống điều hành và triển khai kế hoạch tuyên truyền, đào tạo cán bộ thực hiện chương trình. Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, đồn điền đổi thửa; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; dự án đổi mới hình thức sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội tại địa phương, tiềm năng đất đai, lao động để hỗ trợ và tác động tích cực đến cơ cấu kinh tế dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng đang phát triển tại địa phương.

Chương trình tập trung hướng đến việc hướng dẫn nông dân tập trung chuyển dịch cơ cấu, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xem xét hỗ trợ các xã đầu tư một số nội dung các tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học…và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng bưu điện, nhà văn hóa, nhà ở theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa ở nông thôn…nhằm bảo đảm có trên 50 % số xã đạt 10 tiêu chí trở lên; phấn đấu đến năm 2015 có 79/94 xã đạt từ 10-19 tiêu chí, trong đó 20 xã(21,2% số xã toàn tỉnh) đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Dự kiến nhu cầu nguồn vốn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 là 5.739 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa, đến nay đã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành lập văn phòng điều phối, 8/8 huyện đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, 94/94 xã thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập ban quản lý xây dựng nông thôn mới và ban phát triển nông thôn. 68/94 xã đã thông qua HĐND xã và đang hoàn tất các thủ tục trình phê duyệt; trong đó có 6/8 xã chỉ đạo điểm, 26/94 xã chuẩn bị thông qua HĐND xã, 81/81 xã đã đăng ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, 13/94 xã chuẩn bị lên phường và đã có quy hoạch. Khối lượng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã hoàn thành trong 2 năm 2010 và 2011 được 258 công trình với vốn giải ngân là 177,334 tỷ đồng. Năm 2012, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Chương trình là 137 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 110 tỷ đồng, ngân sách huyện 27 tỷ đồng).

Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban chỉ đạo) chủ trì, tham mưu cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh bao gồm chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội; chính sách khuyến kích dồn điền đổi thửa; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; chính sách về hỗ trợ đổi mới và phát triển và hình thức tổ chức sản xuất; chính sách khuyến khích địa phương thực hiện tốt chương trình.

Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới.

Ông Trương Hữu Lan - Phó Chánh văn phòng Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: “Giải pháp đề ra là phát huy vai trò chủ thể của người dân của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện chương trình. Công tác thông tin, tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp thôn thông qua tổ chức đoàn thể ở cơ sở và đến từng hộ gia đình. Chính quyền lắng nghe nguyện vọng của dân, có cơ chế thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thật cụ thể mới huy động được ý dân và sức dân. Hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc, chứ không phải của một ngành, một cấp nào. Xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2010-2015 để có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến phát triển sản xuất một cách đồng bộ, nâng cao năng lực điều hành của các cấp ủy đảng, đoàn thể và chính quyền thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; đào tạo nghề phù hợp cho nông dân, trang bị cho họ kiến thức cần thiết để họ chủ động tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thích nghi với cách sống mới; xây dựng cơ chế huy động vốn hợp lý, bố trí đầu tư lồng ghép các chương trình dự án có tính tới cơ chế bảo quản duy tu để phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và huy động các nguồn lực hợp pháp; huy động sự đóng góp của nhân dân bằng giá trị hiến đất để làm giao thông, thôn, xóm, nội đồng; tập trung phát triển sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn theo quy hoạch và sự liên kết trong vùng; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả và đổi mới kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác bao gồm hợp tác xã và các tổ hợp tác… xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa ở nông thôn”.

Có thể khẳng định, xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của sự phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là là chủ trương có tầm chiến lược lâu dài đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta và mang tính nhân văn sâu sắc. Tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết nhất trí, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Khánh Hòa chung tay, xây dựng nông thôn mới, sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVI đã đề ra./.

Hồng Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất