(TCTG)- Kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mồng 2 tháng 9, thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, sáng ngày 21 tháng 8 năm 2009, tại thôn Xuân Huy, xã Trung Môn, ngoại ô thành phố Tuyên Quang, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ thuộc các tỉnh thành hương, tưởng niệm các nhà văn nhà truyền thống văn nghệ Việt Nam.
Đến dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Đoàn chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Tuyên Quang , lãnh đạo Đảng chính quyền và bà con nhân dân xã Trung Môn đã về dự.
PGS- Họa sĩ Vũ Giáng Hương , Bí thư Đảng đoàn , Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã lên phát biểu bày tỏ lòng biết ơn của anh chị em văn nghệ sĩ cả nước đối với Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã tạo điều kiện cho giới văn học nghệ thuật xây dựng tại đây Nhà truyền thống Văn nghệ cách mạng Việt Nam, nơi làm việc của Hội văn nghệ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Cũng tại ở thôn Xuân Huy, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, nay thuộc ngoại ô thành phố Tuyên Quang từ năm 1950-1954 là nơi làm việc của Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay. Trong căn nhà chật hẹp, giữa một khu vườn rộng rãi, cây cối xanh tươi của gia đình cụ Nguyễn Văn Su đã trở thàng trụ sở làm việc của văn nghệ Việt Nam. Tại đây, các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ có tên tuổi của Việt Nam như: Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Diệp Minh Châu, Thễ Lữ, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu, Huy Cận…đã từng sống và làm việc vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp.Cơ quan của Hội văn nghệ Việt Nam tại đây đã diễn ra nhiều sinh hoạt quan trọng: chỉ đạo các hoạt động văn nghệ, ra báo, đưa các văn nghệ sĩ vào vùng địch hậu tham gia kháng chiến…Thôn Xuân Huy đã trở thành một địa điểm quan trọng của cơ quan văn nghệ Việt Nam tham gia vào các hoạt động Văn nghệ tiếp sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Từ năm 2001, lúc nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Huy Cận và nhạc sĩ Trần Hoàn còn sống, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã đặt ở đây một tấm bia tưởng niệm. Năm 2007, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang, gia đình cụ Nguyễn Văn Su, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam được sự hỗ trợ ngân sách từ Trung Ương gần 2 tỉ đồng đã hoàn thành công trình Nhà văn nghệ Việt Nam trên một diện tích gần 300m2. Đây thực sự là một điểm văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước Cách mạng, truyền thống văn hóa văn nghệ cho các thế hệ thanh thiếu niên Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Nhà văn nghệ Việt Nam được xây cất hiện đại theo mô hình nhà sàn của các dân tộc miền núi phía Bắc, có đầy đủ phòng đọc sách, máy tính, điện nước, tivi và một không gian sinh hoạt văn nghệ cho hàng trăm thanh thiếu niên ở địa phương.
Đồng chí Giang Văn Huỳnh- Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, trưởng Ban Tuyên giáo thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Đoàn Chủ tịch và anh chị em văn nghệ sĩ cả nước đã xây dựng ở xã Trung Môn một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa. Nhà truyền thống văn nghệ Việt Nam không chỉ là một dấu tích lịch sử của đời sống văn nghệ Việt Nam trong suốt chặng đường gần 80 năm theo Đảng làm Cách mạng. Nó còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống văn nghệ cho các thế hệ mai sau, trước hết cho thế hệ trẻ ở Tuyên Quang.
Ban Tuyên giáo Trưng ương , Đại sứ quán Phần Lan, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành TW, nhà xuất bản Kim Đồng đã gửi tặng cho tủ sách của Nhà văn nghệ Việt Nam hàng trăm đầu sách để phục vụ cho các em thanh thiếu niên.
Nhà truyền thống văn nghệ Việt Nam ở xã Trung Môn cùng với hàng trăm địa điểm di tích khác ở An toàn khu Tuyên Quang, Thái Nguyên…sẽ trở thành những di tích lịch sử văn hóa góp phần giáo dục truyền thống Cách Mạng cho thế hệ trẻ.