Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 30/1/2011 8:39'(GMT+7)

Tết - Chơi: Kẻ lạ và những mùa xuân Tây Bắc

Vậy thì điều gì đã đưa đẩy anh trở lại, và trở lại rất nhiều lần? Sự tò mò? Hẳn nhiên là càng không, vì những chuyến đi trước đây, với anh đều rất tốt đẹp, vừa đủ thỏa mãn cảm giác được biết. Một mối quan hệ khăng khít nào đó với con người hay kỷ niệm? Không. Vậy, là gì? Những thanh niên đang ngồi uống rượu ngô thản nhiên nhìn vào màn trập của chiếc máy ảnh của anh đang ghi những bức ảnh sống động hôm nay vào quá khứ, mỗi "shutter" như một phát bóp cò khát máu nhằm vào cái chết của khoảnh khắc hiện tại. Nhưng, anh ghi lại chúng để làm gì? Chỉ đơn thuần là để nhớ một chuyến đi qua rất đỗi hời hợt như mọi chuyến du lịch khác, hay là để thỏa mãn con mắt ưa nhìn mọi thứ qua cái khung vuông trong ống ngắm được điều tiết cự ly bằng cách xoay tròn tele-zoom?

Những em bé rách rưới mũi dãi lòng thòng nhận từ tay anh những món quà là bánh kẹo,  bàn chải đánh răng, mấy thỏi xà bông phục vụ du khách thừa thãi ở các khách sạn... Và dĩ nhiên, tiền. Đồi lại, anh được tự do ghi lại những hình ảnh sống động về một đời sống, những khoảnh khắc gợi một chút xót thương về cái đói, cái nghèo, cái tuổi thơ có phần hoang dại của chúng. Anh muốn chứng minh cho những người thân ở thành phố thấy rằng, mình đã đến, đã gắn bó một cách lạ lùng những chốn khỉ ho cò gáy, nơi con người sống trên đá chết vùi trong đá này, đã dấn thân đầy nhọc nhằn để săn được những tác phẩm đầy cảm xúc về cái đói khổ ở đây...

Một người bạn làm nghề khảo sát du lịch lâu năm nói với anh một kinh nghiệm: ở đâu du lịch bước chân tới càng sâu thì trẻ con ở đó càng dạn dĩ, dạn dĩ đến đáng tiếc. Anh ta nói với nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: nghĩa đen thì ai cũng hiểu rồi. Nhưng xót xa thay, cái nghĩa bóng thì lại là một sự thật quá đỗi bẽ bàng và trần trụi: biết đâu trong đám trẻ con kia có đứa lại mang những máu bỏ rơi của các du khách trong một lần run rủi ghé chân qua những xứ sở xa lạ này.

Những đứa trẻ dạn dĩ nhận quà đang dò tìm một mối tương giao máu thịt sâu xa nào đó của một thứ tình yêu bị ruồng rẫy hay là sản phẩm của một sự đổi chác thực dụng mà bừa bãi trong những chuyến lữ hành tìm cảm giác lạ của con người tự nhận mình văn minh hơn. Từ lâu anh đã thấy cảnh những cô gái Mông bỏ nương rẫy, bỏ tiếng khèn gọi tình của những chàng trai bản nơi phiên chợ để đêm đêm đứng trước khách sạn Sapa tìm những người bạn tình đến từ một phương trời khác. Một hình ảnh có thể làm những nhà nhân chủng học bản sắc chủ nghĩa như ông Claude Lesvi-Strauss trong "Nhiệt đới buồn" sẽ cảm thấy đau lòng.

Và, mới đây thôi anh lại chứng kiến cái cảnh hai cô gái dân tộc ở Lào Cai gục đầu bật khóc trong một căn phòng khách sạn ở Cẩm Phả trong tình trạng trần truồng, để chiếc điện thoại có chức năng quay phim của anh công an sờ soạng trên cơ thể mình với lý do ghi lại bằng chứng một cuộc truy quét mại dâm. Có lẽ là một liên tưởng xa, nhưng bên cạnh sự mở mang văn minh, sự sáng sủa bề ngoài của đời sống dịch vụ thì những liên tưởng trên đủ để chúng ta đau lòng nhận ra sức tàn phá nghiệt ngã, mặt trái của cơn lốc du lịch đang đảo lộn nếp sống, văn hóa trong những thôn bản bình yên như thế nào. Tôi hiểu vì sao triết gia, nhà nhân chủng học Claude Lesvi-Strauss để vào đầu cuốn sách bất hủ của mình một câu cay đắng: "Tôi ghét du hành và các nhà thám hiểm".

Những kẻ, dù vô tình hay hữu ý, cũng đã tham gia vào việc xóa nhòa, cán phẳng những giới tuyến bảo vệ các vùng miền bản sắc khác; đem áp đặt sức mạnh văn minh của mình lên những nền văn minh khác và tự khoác cho mình cái sứ mệnh khai hóa với vẻ vênh váo thống khoái và man dã. Một mặt, ông cho rằng, một nền văn hóa lành mạnh không thể đứng lập dị, thiếu giao lưu, nhưng chúng ta nên bày tỏ sự căm ghét trước thói hung hăng, rắp tâm phá vỡ, cán phẳng những giới tuyến làm nên sự đa dạng, khác biệt của bản sắc dưới điệu bộ lịch thiệp là giao lưu, khai phá.  Mười năm trước, có lẽ bọn trẻ trong các bản xa trên đất Lũng Cú còn chưa biết đến tiếng động cơ xe hơi, vậy mà nay chúng đã mang vào cái phản xạ có điều kiện mà tất cả trẻ con vùng Tây Bắc đều có.

Đó là chỉ cần thấy bóng xe hơi vào bản mình là ùa ra như ong vỡ tổ để chụp giật những món quà từ tay người lạ (quang cảnh này không xa lạ ở bản Cát Cát Sapa hay Bắc Hà, những nơi du lịch rất phát triển). Thật khó để cắt nghĩa những ánh mắt vừa tò mò nghi ngại vừa ngưỡng vọng lạ lùng nơi các em khi nhìn những kẻ lạ ăn vận sang trọng, hào nhoáng đang lùng sục "tìm hiểu và khám phá văn hóa", thực ra là thỏa mãn chút cảm xúc trắc ẩn trước cảnh khổ của con người bản địa.

Một người trong đoàn của anh đã bỏ tiền thuê hai cô gái Lô Lô mặc bộ đồ truyền thống của dân tộc mình để chiều lòng các tay máy mê chụp ảnh. Chỉ năm phút sau, hai cô gái Lô Lô xuất hiện với bộ trang phục sặc sỡ và lập tức trở thành người làm dáng rất chuyên nghiệp trước ống kính của đoàn khách. Những cô gái Lô Lô không còn mặc trang phục truyền thống ngày thường, mà chỉ mặc vào khi đã thỏa thuận giá cả với những du khách có nhu cầu "săn ảnh". Vài năm trước anh đến đây, hai cô gái người mẫu kia có lẽ là một trong số những đứa trẻ tựa hàng rào xiêu vẹo, rách rưới đưa mắt nhìn, không dám tiến đến gần nhận gói kẹo nhỏ của những du khách lạ lần đầu tiên đặt chân vào bản.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân Tân Mão 2011

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất