(TCTG)- Theo một nghiên cứu do Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ môi trường Pháp (CEMAGREF) thực hiện được công bố ngày 12/8, khí hậu nóng lên dẫn đến cây cối mọc ít cành.
Điều này làm những cây mọc ký sinh có nguy cơ tăng và làm chu trình tái sinh bị rối loạn. Nghiên cứu này nhấn mạnh những nguy cơ trên sẽ làm rừng Địa Trung Hải trong tương lai bị đe dọa. Các nhà nghiên cứu của CEMAGREF đã đưa ra kết luận trên sau khi quan sát sự phát triển liên tục theo mùa của một hệ sinh thái thực vật bốn tầng, gồm những cây thông Alep và ba loài sồi. Để kiểm tra hậu quả của thời tiết hạn hán, một khu vực cây cối rộng 900 m2 đã được nghiên cứu. Theo đó, một số cây bị giảm hấp thu 30% lượng mưa nhờ những mái che, trong khi những cây khác được hấp thu thêm 30% lượng nước bổ sung nhờ hệ thống tưới tiêu. Những khu vực khác giữ nguyên trạng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự khan hiếm mưa và nhiệt độ tăng làm cho cây cối mọc ít cành, yếu hơn, dễ bị sâu bệnh và ký sinh. Một trong những tác giả của nghiên cứu, ông Michel Vennetier cho biết: ‘‘Những cây sồi đã ít sinh sổi nảy nở, thay đổi cấu trúc cây do chịu hậu quả từ chất lượng đất rừng Địa Trung Hải. Ngọn cây thông đã thưa hơn do tiểu khí hậu trong đất khô và nóng hơn’’. Cuối cùng, CEMAGREF nhấn mạnh số lượng cây thông Alep chết tăng và cấu trúc rừng đã biến đổi. Những cây thông trên sườn núi khu vực Địa Trung Hải đã hoàn toàn biến mất sau giai đoạn thời tiết nóng nực năm 2003 là một ví dụ điển hình./.
Theo báo Lemonde
(Bài dịch)