63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 616/686 quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020.
Những vấn đề tồn tại, vướng mắc, hạn chế trong công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, trong giao đất và cho thuê đất đã được các chuyên gia tập trung phân tích, làm rõ, đưa ra các kiến nghị đóng góp vào việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2003 tại hội thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 5/8.
Theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ, trong thời gian qua, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất đã được các cấp, các ngành quan tâm và hệ thống văn bản đã hình thành khá đầy đủ, đồng bộ, kịp thời.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp đã dần đi vào nề nếp, trở thành công cụ quan trọng của quản lý nhà nước đối với đất đai, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Còn nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, vướng mắc. Các khái niệm, vai trò quy hoạch sử dụng đất, vị trí và mối quan hệ quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch cần phải cụ thể, rõ ràng hơn nữa.
Hiện, hệ thống quy hoạch sử dụng đất ở 4 cấp hành chính và khu kinh tế, khu công nghệ cao còn chồng chéo, chưa cụ thể, gây lãng phí. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất gắn với nội dung quy hoạch, đặc biệt là gắn với phân loại đất, thống kê, kiểm kê đất đai, định giá đất, thu tiền sử dụng đất… cần được định hướng từ đầu để sửa thống nhất, đồng bộ và đạt các mục tiêu quản lý.
Ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, quy hoạch sử dụng đất là quá trình “tối đa hoá” giá trị bất động sản, vì vậy, cơ sở dữ liệu về đất đai là đầu vào quan trọng khi lập, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất và cần phải được hình thành, quản lý thống nhất.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất cần gắn liền với nhiệm vụ sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên đất đai và tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo sự cân đối lớn giữa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và những cân đối nội bộ của từng loại đất này.
Về thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, các ý kiến cho rằng, Luật Đất đai quy định định kỳ quy hoạch như hiện nay là chưa hợp lý, cứ 10 năm lại phải lập quy hoạch sử dụng đất gây tốn kém, đặc biệt mâu thuẫn với thời hạn giao đất, cho thuê đất đều trên 10 năm, thậm chí 50- 70 năm, gây tâm lý không ổn định cho người thuê đất. Do đó, căn cứ và thời điểm để lập quy hoạch sử dụng đất phải dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội.
Đề cập về mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội cần có thời hạn lập quy hoạch hoặc tầm nhìn khoảng 20 năm để các dự báo có tầm chiến lược và là cơ sở cho công tác lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.
Còn GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng cần có những đổi mới về hệ thống quy hoạch. Theo đó, cần phải điều chỉnh lại một số điểm trong hệ thống phân loại đất; đồng thời cần phải đưa ra hệ thống phân loại không gian sử dụng đất; điều chỉnh phương thức lập quy hoạch và việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
Việc quy hoạch phải được lập trên nguyên tắc đối thoại giữa các bên, lấy nội dung kinh tế, công bằng và bảo vệ môi trường làm nền tảng. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch phải được xây dựng trên cơ sở một hệ thống giám sát, đánh giá./.
(Theo: VGP News)