Tiềm lực khoa học và công nghệ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước được tăng cường. Hệ thống, cơ sở nghiên cứu của ngành được rà soát, phân loại, sắp xếp theo hướng hình thành các viện lớn đầu ngành và các viện, trung tâm trực thuộc chuyên sâu, gắn với vùng, miền, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu lực quản lý khoa học và công nghệ.
Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã đóng góp khoảng 30% trong tăng trưởng của ngành, thể hiện qua các sản phẩm do các nhà khoa học tạo ra và được ứng dụng trong sản xuất.
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, các nhà khoa học đã nghiên cứu tạo ra 273 giống cây trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, trong đó có 97 giống được công nhận chính thức và 176 giống được công nhận cho sản xuất thử. Các giống mới với nhiều ưu điểm và đang được sử dụng rộng rãi trong nước, cho năng suất và chất lượng tương đương hoặc cao hơn các giống ngoại nhập.
Bên cạnh giống mới, nhiều quy trình kỹ thuật mới đã được đưa vào sản xuất như: Kỹ thuật gieo thẳng trong thâm canh lúa ở đồng bằng sông Hồng, biện pháp gieo thẳng lúa bằng công cụ kéo tay rút ngắn thời gian sinh trưởng 7 -10 ngày, tiết kiệm 35-40 kg hạt giống/ha, giảm 20-30 công lao động/ha, biện pháp tưới nước khô ướt xen kẽ tiết kiệm 30-42% lượng nước tưới...
Các nhà khoa học đã lai tạo và chọn lọc thành công giống lợn lai, nâng khối lượng lợn xuất chuồng từ 45-50 kg lên 70-80 kg và tỷ lệ nạc tăng từ 32 lên 52 – 57%. Công tác nghiên cứu dịch tễ học một số bệnh nguy hiểm ở Việt Nam như cúm gia cầm, lở mồm long móng, rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (bệnh tai xanh) đã góp phần quan trọng trong giám sát sự lưu hành tác nhân gây bệnh, đề xuất các giải pháp phòng, chống thích hợp. Không chỉ ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến để chọn tạo đàn bố mẹ có đặc tính kháng bệnh, tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, hàu, tôm sú, các nhà khoa học còn làm chủ công nghệ xản xuất giống và công nghệ nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá điêu hồng. Các loại máy móc, thiết bị như máy tời thu, thả dây câu, tời thu lưới vây, tời thu lưới kéo, máy bắn câu... được thiết kế và chế tạo đã nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các nhà khoa học đã tạo được 87 giống mới có năng suất gỗ cao, xây dựng được quy trình công nghệ chế biến các loại gỗ rừng như ép định hình nhiều lớp, gia nhiệt bằng dòng điện cao tần, công nghệ biến tính gỗ, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu đóng tàu thuyền, sản xuất ván ép thanh, đồ mộc.../.
Nguyễn Bích Thủy - TTXVN