Phải tiến hành các nghiên cứu định tính và định lượng, xây dựng đề xuất
các cơ chế, chính sách thích hợp với Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển
mạnh mẽ khoa học và công nghệ; không ngừng nỗ lực để khẳng định chất
lượng đào tạo trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang tác động nhanh
chóng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế -xã hội.
Đó là ý kiến chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai
kế hoạch năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát huy truyền thống và
những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vươn lên chủ động giải quyết những
vấn đề khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; từ
đó có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ
động với tinh thần khai phóng, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong
kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
4.
Phát triển mạnh mẽ KH-CN
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần thực hiện tốt 4 yêu cầu:
Thứ nhất, song song với nghiên cứu khoa học cơ bản, cần dành thời gian,
nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học vào
thực tiễn; phải tạo mối liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu khoa học và công
nghệ với sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời giảm dần tình
trạng các doanh nghiệp trong nước thuê các đơn vị tư vấn khoa học và
công nghệ nước ngoài mỗi khi cần cải tiến hoặc sản xuất thiết bị và phụ
tùng thay thế;
Thứ hai, phải tiến hành các nghiên cứu
định tính và định lượng, xây dựng đề xuất các cơ chế, chính sách thích
hợp với Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học và công
nghệ; không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối cảnh
khoa học và công nghệ đang tác động nhanh chóng mạnh mẽ đến mọi mặt của
đời sống kinh tế -xã hội.
Thứ ba, không ngừng nỗ lực để khẳng định chất lượng đào tạo trong bối
cảnh khoa học và công nghệ đang tác động nhanh chóng mạnh mẽ đến mọi mặt
của đời sống kinh tế - xã hội.
Thứ tư, cần tinh gọn bộ máy, áp dụng
phương thức quản lý phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo ra
các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, phục vụ người nông dân,
cộng đồng doanh nghiệp, góp phần cụ thể, thiết thực vào sứ mệnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết
Đồng thời, ngoài việc tiếp tục thực
hiện tốt các nhiệm vụ khoa học đã được Chính phủ giao, tiếp tục triển
khai nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ đóng góp cho sự
phát triển của đất nước và nền khoa học nước nhà; phát huy các thế mạnh
của mình, Viện cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết
sau:
Một là, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản
hợp lý, nhằm nâng cao giá trị và giảm lãng phí đất đai và tài nguyên
quốc gia.
Hai là, đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ trong việc theo dõi
kiểm soát và xử lý môi trường, khắc phục hậu quả và thích ứng tối ưu với
các thách thức của biến đổi khí hậu.
Ba là, nghiên cứu áp dụng khoa học và
công nghệ trong việc sản xuất hàng hóa, chú trọng yếu tố thân thiện môi
trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức
cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Bốn là, áp dụng khoa học và công nghệ vào chế biến sâu, bảo quản lương
thực, thực phẩm, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam,
nâng vị thế của nền nông nghiệp Việt Nam ở nấc thang cao hơn trong chuỗi
giá trị toàn cầu.
Năm là, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
cho các ngành, lĩnh vực then chốt của quốc gia, đặc biệt là nông nghiệp
công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất các dược liệu thế hệ mới, công
nghệ nano…
Cùng với đó, Viện Hàn lâm Khoa học và
Công nghệ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học xã
hội Việt Nam; trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ động
cung cấp cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam những cập nhật
thời sự xã hội, các thách thức, nguy cơ hiện hữu, cùng với những mục
tiêu then chốt về phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Viện Hàn
lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu đề xuất những giải pháp
khoa học công nghệ nhằm thực hiện những chủ trương chính sách về quốc
phòng an ninh, các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và hội
nhập quốc tế. Mặt khác, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
cần cung cấp cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam những đánh giá
chính xác về các xu thế phát triển của khoa học công nghệ cùng với những
tác động quan trọng tới đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng
và phát triển bền vững đất nước.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, Viện đã hoàn thành tốt các
nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao cho và đạt được nhiều kết quả nổi
bật. Số công bố quốc tế tăng khoảng 15-20%/năm. Năm 2016, Viện đã có 800
công trình đạt tiêu chuẩn ISI, tăng hơn 25% so với năm 2015; được cấp
32 bằng sở hữu trí tuệ (trong đó có 13 phát minh, sáng chế và 19 giải
pháp hữu ích), nhiều công nghệ đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp.
Nhiều kết quả nghiên cứu của Viện và các đơn vị thành viên đã đóng góp
trực tiếp, thiết thực giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ đặt ra
trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và ở một số vùng miền.
Cũng trong năm 2016, Viện được giao và chủ trì nghiên
cứu hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung và đã sớm
xác định được nguyên nhân, làm cơ sở khoa học và chứng minh những sai
phạm của Formosa.
|
Minh Hiển (chinhphu.vn)