Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm 2011 đã phát biểu quan điểm phát triển vì con người rất dứt khoát và rõ ràng.
Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế xét đến cùng là vì con người, cho con người. Đó là con người phát triển toàn diện, có đời sống vật chất ấm no, đời sống tinh thần phong phú, có năng lực trí tuệ, phát huy mọi khả năng sáng tạo trong sự nhận thức được cái tất yếu để có thể làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, vươn tới tự do.
Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, Chính phủ đã xác định tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, coi phát triển bền vững là một yêu cầu xuyên suốt trong các chiến lược quốc gia. Trong đó, rất coi trọng việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với việc phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời khắc phục tư tưởng chạy theo tốc độ mà không chú ý đúng mức đến chất lượng tăng trưởng. Một nhà phân tích trong nước từng phát biểu: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền một cách minh bạch, nghiêm túc là xây dựng ngôi nhà vững chãi, một môi trường sống lâu dài cho cả dân tộc. Còn tăng trưởng kinh tế chỉ là trạng thái kinh tế của xã hội thôi. Không nên dỡ nhà ra để nấu cơm rồi tự hào rằng cơm chín ngon. Đến khi mưa bão, lấy đâu ra nhà mà ở! Không thể đem thành tích kinh tế ra để giải thích cho sự lạc hậu, sự bê trễ trong việc hoàn thiện hệ thống Nhà nước”. Đặc biệt là một Nhà nước được thành lập “do dân, của dân và vì dân”. Vì vậy, khi nói về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các nhà chức trách phải trả lời được câu hỏi: “Người dân nhận được gì?” từ “ánh hào quang” của sự phát triển đó. Trong quá trình công nghiệp hóa, bên cạnh hàng triệu nông dân bị mất ruộng đất lại có một ít công ty, cá nhân được hưởng lợi rất lớn khi họ bán chính những khu đất đó với giá cao hơn hàng chục, hàng trăm lần giá giải tỏa đền bù thì thử hỏi quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa đó mang lại lợi ích gì cho đa số người mất đất?
Đời sống của người dân không chỉ có cái ăn, cái mặc, tuy chúng hết sức quan trọng, mà còn phải có chỗ ở tươm tất, có sức khoẻ cường tráng, được học hành và có cơ hội tiếp tục học hành tới nơi tới chốn. Ngoài ra, còn phải có việc làm phù hợp, được sống trong môi trường trong sạch, yên ổn, được Nhà nước đảm bảo các quyền tự do, các quyền cơ bản của con người. Nói tóm lại, theo thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, người dân cần phải được Nhà nước đảm bảo các điều kiện để có thể “làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, vươn tới tự do”. Cải thiện, nâng cao từng bước cuộc sống của con người, đảm bảo để mỗi công dân đều có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật và vươn tới khát vọng giải phóng mọi năng lượng tinh thần để trở thành con người tự do, phát huy mọi khả năng sáng tạo, trở thành nhân tố tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước, suy cho cùng đếu là mục tiêu tối thượng của các hoạt động kinh tế, xã hội hay chính trị trong một thể chế dân chủ.
Để làm được điều đó, khoan sức dân là một trong những biện pháp hữu hiệu và cấp bách. Khoan sức dân trước hết phải bắt đầu từ việc xây dựng thể chế và chính sách. Trong lĩnh vực kinh tế, là phải làm thế nào để tạo điều kiện bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, cùng có cơ hội như nhau. Nhà nước thu ngân sách hợp lý và sử dụng nguồn tiền đó một cách minh bạch để xử lý những công việc quan trọng liên quan tới các vấn đề quốc kế dân sinh. Cầm xem xét và kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư công để tránh thất thoát, lãng phí và tham nhũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế cũng như niềm tin của dân vào uy tín của chính quyền. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều người còn phải chạy ăn từng bữa, nhiều doanh nghiệp phải gồng mình vượt qua khủng hoảng, các nhà chức trách cần xem xét giảm thiểu tối đa các khoản thu, các lệ phí không cần thiết hay quá nặng để giảm sức ép cho người lao động cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Quang A, mức độ “khoan sức dân” có thể được phản ánh bằng tỷ lệ thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ lệ này càng cao thì mức “khoan sức dân” càng kém. Những năm qua, tỷ lệ huy động thu NSNN/GDP của Việt Nam mỗi năm bình quân ở mức từ 27-28%, theo Ngân hàng Phát triển châu Á là cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cũng theo TS Nguyễn Quang A, để phát triển đất nước không chỉ có nguồn đầu tư của Nhà nước mà còn có cả đầu tư của nhân dân. Nhân dân, thực ra mới là nhà đầu tư chính và đầu tư của nhân dân mới thực sự hiệu quả hơn nhiều. Khoan sức dân, giảm bớt tỷ lệ huy động NSNN, để nhân dân có lực đầu tư mạnh mẽ hơn kết hợp với việc Nhà nước đầu tư có trọng điểm, quản lý tốt hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều với việc ra sức “tận thu”.
Trước lúc lâm chung, Thượng phụ Quốc công Trần Hưng Đạo đã trăn trối với Đức vua Trần Anh Tông: “Nay lúc bình thời, phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc. Ấy là thượng sách để giữ nước”. Thực tế lịch sử cũng đã minh chứng, có “an dân” thì mới có sự ổn định để phát triển kinh tế, là tiền đề quan trọng để khơi dây nguồn lực của quốc gia, và điều đó càng có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang phấn đấu để thực hiện các mục tiêu của sự nghiệp phát triển đất nước, thực hiện ước mơ xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Hữu Nguyên/Đại đoàn kết.vn