Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI vừa rồi đã nhấn mạnh đến vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) nhưng để thực hiện được cần phải thể chế hóa cơ chế phản biện bằng luật pháp”. Vì vậy, có khai thác trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân thì mới phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Chỉ khi nào nhân dân vào cuộc, các tầng lớp trí thức thực sự quan tâm đến những vấn đề quốc kế dân sinh của đất nước thì đất nước ta sẽ phát triển rất mạnh mẽ
GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định như vậy khi trao đổi với Thanh Niên xoay quanh vai trò phản biện xã hội và giám sát của Mặt trận. GS Lưu Văn Đạt nói:
- Phản biện không phải vấn đề mới mà đã có từ lâu. MTTQ Việt Nam đã tham gia phản biện dưới nhiều hình thức. Không chỉ riêng Ủy ban Trung ương mà các thành viên của Mặt trận cũng đều ít nhiều tham gia phản biện xã hội, đặc biệt là từ khi Chính phủ giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (VUSTA), một trong các thành viên của Mặt trận, chức năng phản biện xã hội. Trước đó, hình thức đơn giản nhất về phản biện mà Mặt trận thực hiện chính là góp ý kiến vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để góp phần hoàn thiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật. Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tham gia đóng góp ý kiến vào rất nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước từ thời kỳ đổi mới.
Các ý kiến đóng góp của Mặt trận đã phát huy tác dụng trên thực tế. Chẳng hạn, trước đây góp ý hoàn thiện Luật Quốc tịch (thời ông Lê Quang Đạo còn làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Mặt trận đã đề nghị bỏ quy định ai muốn nhập quốc tịch nước ngoài phải bỏ quốc tịch Việt Nam trong dự thảo luật. Tiếp thu ý kiến đóng góp của Mặt trận, Quốc hội đã không đưa quy định đó vào luật. Lựa chọn đó có tác động lớn đối với xã hội, đặc biệt là đối với kiều bào ta ở nước ngoài. Mặt trận cũng là một trong những kênh đầu tiên đề xuất bỏ cơ chế xin - cho và đề nghị áp dụng nguyên tắc người dân được làm những gì luật pháp không cấm. Nguyên tắc này đã được thể hiện rõ trong Luật Thương mại và sau đó là Luật Kinh doanh. Tôi chỉ đề cập vài ví dụ để chứng minh tác dụng to lớn của vai trò phản biện đối với xã hội
Điều vui mừng là lần này chủ trương phản biện xã hội giao cho Mặt trận không chỉ ghi trong Nghị quyết của Đảng tại Đại hội X mà đã đưa vào nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là một chủ trương đúng đắn, chắc chắn sẽ có tác dụng rất lớn trong thực tiễn, bởi trí tuệ vài người, một nhóm người không thể nào bằng trí tuệ toàn dân được. Có khai thác trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân thì mới phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Chỉ khi nào nhân dân vào cuộc, các tầng lớp trí thức thực sự quan tâm đến những vấn đề quốc kế dân sinh của đất nước thì đất nước ta sẽ phát triển rất mạnh mẽ.
Thưa giáo sư, không phải đến Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 mới khẳng định chủ trương trao quyền giám sát, phản biện cho Mặt trận mà ngay từ Đại hội X, Đảng cũng đã nêu rõ trong Nghị quyết việc Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận làm tốt vai trò này. Vậy vì sao đến thời điểm này vẫn chưa có cơ chế cụ thể để Mặt trận thực thi quyền phản biện của mình?
Đúng là tuy Đại hội X đã đề ra chủ trương như vậy nhưng rất tiếc đến bây giờ vẫn chưa ban hành được cơ chế phản biện xã hội để thực hiện. Điều đó có nhiều lý do. Sự khác biệt giữa việc góp ý kiến của Mặt trận và phản biện thể hiện ở chỗ: tham gia ý kiến thì ai cũng có thể có ý kiến nhưng nghe hay không, tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến là quyền của cơ quan chức năng, do đó kết quả rất hạn chế. Nhưng nếu có cơ chế phản biện thì cần có quy định ràng buộc cơ quan, tổ chức tiếp thu ý kiến phản biện. Để có cơ chế phản biện về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì tất nhiên Đảng và Nhà nước có trách nhiệm tạo ra hành lang pháp lý cho Mặt trận phản biện. Theo tôi, Mặt trận không có điều kiện phản biện về tất cả mọi vấn đề, chỉ nên khoanh lại ở một số lĩnh vực và những lĩnh vực đó cũng nên tập trung vào một số vấn đề trọng tâm để tiến hành phản biện. Những vấn đề đó chủ yếu có liên quan đến quốc kế dân sinh, đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Tôi cho rằng, phản biện xã hội chỉ có lợi, không thể có tác động tiêu cực. Không nên hiểu phản biện là phản bác. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt, cơ chế phải rõ ràng, xác định rõ phản biện cái gì, phản biện ra sao. Và, quan trọng nhất là cơ chế tiếp thu ý kiến phản biện. Nếu không tiếp thu thì cần giải quyết như thế nào. Khi ý kiến giữa Mặt trận và cơ quan dự thảo chính sách, pháp luật không thống nhất thì phải có cơ quan, tổ chức quyết định. Về pháp luật, ví dụ Quốc hội chẳng hạn. Bởi suy cho đến cùng, trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì Đảng và Nhà nước có quyết định và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về quyết định đó, Mặt trận là cầu nối để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đảng và Nhà nước cần tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân và tăng tính khả thi trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật.
Giáo sư vừa nói cần có cơ chế phản biện xã hội cũng như chế tài đối với cơ quan, tổ chức tiếp thu phản biện. Vậy có nên luật hóa quyền phản biện của MTTQ Việt Nam trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới hay trong chương trình xây dựng luật giai đoạn tới?
- Chắc chắn phải như vậy. Vì rằng Cương lĩnh là văn kiện của Đảng, muốn đưa phản biện xã hội vào cuộc sống thì phải thể chế hóa, luật hóa. Hiến pháp (sửa đổi) cần bổ sung vai trò MTTQ Việt Nam, trong đó có vai trò phản biện xã hội. Với tư cách là luật gia, tôi tin rằng vấn đề đó sẽ được ghi trong Hiến pháp sửa đổi.
Tôi nghĩ rằng, không nhất thiết phải có đạo luật riêng về phản biện xã hội của Mặt trận mà trong 5 năm tới, khi ban hành Luật MTTQ Việt Nam mới, nhất thiết phải quy định cơ chế phản biện xã hội và giám sát của MTTQ.
Theo Thanhniên.vn