Thấy tôi ngạc nhiên về cụm từ “cân đảng viên”, chị tươi cười giải
thích, ý nói là cái cân này đo trọng lượng chính xác tuyệt đối, thể hiện
sự trung thực như một giá trị cốt lõi của người đảng viên. Rồi chị nói
thêm: “Mà đã nói đến đảng viên là nói đến danh dự anh ạ!”.
Trong tâm thức mỗi người dân, nói đến đảng viên là nói đến thái độ
chuẩn mực, tinh thần tiên phong, gương mẫu, “đảng viên đi trước, làng
nước theo sau”; nói đến sự dấn thân cống hiến, hy sinh vì những mục
tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và cách mạng. Điều đó vừa là minh chứng
về những phẩm chất, giá trị nổi bật của đảng viên, vừa là “chất khúc xạ”
lấp lánh, lan tỏa trong con mắt nhân dân. Vì vậy, hai chữ “đảng viên”
trở thành danh dự thiêng liêng, cao quý!
Danh dự của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không ngẫu nhiên mà
có. Đó là kết tinh của sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến của thế hệ đảng
viên cha anh đã dâng hiến trọn đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Con số
gần 16.000 đảng viên hy sinh trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân
tộc là một trong những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách
mạng Việt Nam; trở thành giá trị đạo đức góp phần làm cho danh dự người
chiến sĩ cộng sản thêm tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Như người ta thường nói, tạo dựng được danh dự đã khó, giữ được danh dự
còn khó hơn nhiều. Danh ngôn có câu “Danh dự như một que diêm, cháy một
lần là hết” và “Danh dự giống như một viên đá quý, chỉ một vết nhỏ cũng
làm mờ ánh lấp lánh của nó”. Thế nên, giữ gìn danh dự đảng viên được ví
như “cuộc đấu tranh nội tâm” không hề đơn giản, dễ dàng, nhất là trong
bối cảnh xã hội, thời cuộc có nhiều phức tạp như hiện nay, đảng viên rất
dễ bị mê hoặc bởi những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, chỉ một chút
chủ quan, dễ dãi với chính mình cũng có thể sập bẫy lúc nào không hay.
Bởi thế, đã có những đảng viên từng vào sinh ra tử; từng có quãng đời
thanh xuân đầy nhiệt huyết, cháy bỏng, tự nguyện lên rừng, xuống biển để
cống hiến, góp công góp sức bảo vệ và dựng xây nước nhà; nhưng rồi khi
có chức quyền lại sớm ngủ quên trên “quá khứ vinh quang”, không nghiêm
khắc tu dưỡng bản thân nên dần sa ngã, biến chất. Để rồi khi rơi vào
tình trạng thân bại danh liệt, không ít người mới thấm thía câu châm
ngôn “Mất tiền bạc là mất ít, mất sức khỏe là mất nhiều, mất danh dự là
mất tất cả”!
Cách nay 87 năm, ngày 6/9/1931, trước khi trút hơi thở cuối cùng ở Nhà
thương Chợ Quán, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta đã
căn dặn: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến
đấu!”. Biết giữ vững chí khí chiến đấu trong những hoàn cảnh ngặt nghèo
của lịch sử, cũng là một cách giữ gìn phẩm giá, khí tiết, danh dự người
cộng sản. Đó là thông điệp mà cố Tổng Bí thư Trần Phú gửi lại cho thế hệ
đảng viên hôm nay và mai sau.
Đối với đảng viên cộng sản, danh dự của mình không đơn thuần chỉ là
danh dự cá nhân, mà đó còn là danh dự của đội tiền phong của giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Do vậy, giữ gìn danh dự đảng
viên là giữ gìn thanh danh, uy tín cho Đảng, cho dân tộc. Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng - như lời thề của bất cứ ai
trong lễ kết nạp Đảng - là tự nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh vì những
mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và cách mạng.
Lời thề như “dao chém đá”. Giữ trọn lời thề là giữ trọn đạo lý, giữ
trọn thể diện, thanh danh của chính mình. Đó là phong cách ứng xử đậm
chất văn hóa của người đảng viên!./.
Thiện Văn