Tại Hà Nội, ngày 24-2, Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu năm 2008. Trong 66 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát, Việt Nam đứng ở vị trí 61.
Đây là năm thứ 2 Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU) thực hiện việc đánh giá, xếp hạng. Một năm trước, Việt Nam đứng thứ 61/64 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số cạnh tranh CNTT. Sau đó, cơ quan chủ quản đã có giải trình với Chính phủ. Có 4 nguyên nhân được đưa ra. Trước hết là số liệu tính toán quá cũ, không sát với thực tế. Nhiều chỉ số thể hiện mức độ thu, chi của Chính phủ và xã hội cho lĩnh vực CNTT gắn liền với khả năng tài chính của Nhà nước và thu nhập của người dân, nên những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ đạt điểm rất thấp. Rồi có những chính sách mang tính chiến lược, phải sau một thời gian mới phát huy hiệu quả... Cuối cùng, 5 giải pháp được đề ra để khắc phục những tồn tại đã làm hạn chế năng lực cạnh tranh CNTT của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong lần đánh giá này, dù vẫn đứng nguyên vị trí thứ 61, nhưng so với 1 năm trước, khả năng cạnh tranh của Việt Nam đã tụt hạng ở 4 chỉ số, gồm: môi trường kinh doanh; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; môi trường pháp lý và hạ tầng CNTT. Chỉ số tăng duy nhất là nguồn lực con người (từ vị trí 61 lên xếp thứ 56). Nhưng như nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam mới chỉ có số đông về nhân lực trong ngành này, còn trình độ năng lực thì mới chỉ có 10% số được đào tạo đáp ứng được yêu cầu... Như vậy có là điều đáng lo ngại khi CNTT của toàn cầu phát triển như vũ bão và tác động đến mọi mặt của đời sống KT-XH ?
Cần lưu ý rằng chỉ số cạnh tranh trong ngành CNTT rất có ý nghĩa đối với sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia. Qua khảo sát, EIU đã tính toán, tại các nước đã và đang phát triển, bản thân ngành công nghiệp CNTT đã trực tiếp đóng góp ít nhất là 5% trở lên vào GDP đồng thời tạo đà cho sự phát triển kinh tế qua việc giúp đỡ các tổ chức và lao động hoạt động với năng suất và hiệu quả cao hơn. Ngay tại Việt Nam, lợi ích của việc phát triển CNTT cũng rất dễ nhận thấy, đó là hiệu quả trong công tác quản lý của các cấp chính quyền; đơn giản, minh bạch hóa các thủ tục hành chính; tiết kiệm chi phí (ví dụ như việc tổ chức giao lưu, tọa đàm, hội thảo trực tuyến đã giúp cho việc tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí đi lại, ăn ở...); các đơn vị, DN dễ dàng tiếp cận và cập nhật thông tin để nắm bắt thời cơ; nâng cao trình độ dân trí...
Do vậy, chỉ số cạnh tranh trong ngành công nghiệp CNTT rất trùng khớp với chỉ số cạnh tranh toàn cầu (của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF bình chọn). Hầu hết các nước có chỉ số cạnh tranh CNTT cao hơn Việt Nam đều có chỉ số cạnh tranh toàn cầu cao hơn chúng ta. Cụ thể, đứng đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh CNTT 2008 là Mỹ, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nhật Bản... Vậy nên thời gian qua, đầu tư cho phát triển CNTT tại Việt Nam được Chính phủ đặc biệt coi trọng. Dù nguồn ngân sách của Việt Nam chưa hề khá giả và còn có biết bao việc phải lo nhưng chúng ta đã chi tới 3 USD/100 người trong tổng dân số quốc gia, song năng lực cạnh tranh vẫn đứng sau Thái Lan (chi 2,2 USD/100 người) và thua xa In-đô-nê-xi-a (chỉ chi 1,1 USD/100 người). Đó là điều cần phải suy nghĩ.
Hai lần xếp hạng trong 2 năm, chỉ số cạnh tranh CNTT của Việt Nam vẫn "giậm chân tại chỗ". Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, xem xét, đánh giá lại những nguyên nhân đang cản trở ngành công nghiệp này cùng những giải pháp đang thực hiện để phát triển lĩnh vực CNTT của Việt Nam. Cần nhấn mạnh thêm, đây là một ngành kinh tế đầy tiềm năng, mặt khác lại là công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, ngoài sự đầu tư tiền bạc còn đòi hỏi gấp rút những hoạch định chiến lược để phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực và tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới./.
(Theo Hà Nội Mới)