Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong năm học này sẽ tiếp tục
đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).
Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận
sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin
và vui thích với các hoạt động học tập. Tăng cường đánh giá thường xuyên
bằng nhận xét. Trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên (GV) về
những nội dung HS đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện
được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ HS kịp thời.
Tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt và các
nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường
biển, hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quyền và bổn phận
của trẻ em; bình đẳng giới; an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn
thương tích; phòng, chống HIV/AIDS…) vào các môn học và hoạt động giáo
dục. Việc tích hợp cần bảo đảm tính hợp lý, hiệu quả, không gây áp lực
học tập đối với học sinh và giảng dạy đối với giáo viên.
Theo văn bản hướng dẫn này thì thời lượng dạy học, đối
với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, thời lượng tối đa 5 tiết/buổi,
tối thiểu 5 buổi/tuần. Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4
tiết/tháng) thực hiện tích hợp các nội dung giáo dục Âm nhạc, Mỹ thuật,
Thủ công/kỹ thuật, phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường.
Đối với các trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, thời lượng
tối đa 7 tiết/ngày. Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2
buổi/ngày trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu: Học sinh được tự học có sự
hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp, sử dụng
có hiệu quả các tài liệu bổ trợ, không giao bài tập về nhà cho học sinh.
Nơi có điều kiện thì tổ chức cho HS để lại sách, vở, đồ dùng học tập
tại lớp. Bồi dưỡng học sinh năng khiếu; dạy học các môn học tự chọn; Tổ
chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động
ngoại khóa…
Tăng cường các hoạt động thực hiện mục tiêu giáo dục
toàn diện. Thực hành vận dụng kiến thức đã học và tổ chức HS tham gia
các hoạt động thực tế tại địa phương…
Năm học này Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương thực
hiện nghiêm túc việc chẩn chỉnh tình trạng dạy trước chương trình lớp 1,
quy định về dạy thêm học thêm. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu
chi trong các trường tiểu học, thực hiện nghiêm túc công văn hướng dẫn
chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Triển khai các
biện pháp giảm tỷ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, bàn giao chất lượng
giáo dục, không để HS ngồi nhầm lớp; tổ chức hoạt động nhằm phát hiện và
bồi dưỡng học sinh giỏi; không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các
cấp quản lý.
Tiếp tục thực hiện sáng tạo các nội dung của phong trào
thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ năm học
2013-2014, nội dung này trở thành hoạt động thường niên của các trường
tiểu học…
Theo Dân Trí