Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/8/2011 7:36'(GMT+7)

“Không hết lòng với người bệnh thì nên ra khỏi ngành”

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ngành y bị phàn nàn nhiều nhất là thái độ giao tiếp, gây khó dễ cho người bệnh, việc nhận phong bì lót tay... Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ như vậy khi phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng dạy và học đạo đức y học" được tổ chức mới đây tại Hải Dương. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhận thấy, những người hay có thái độ không tốt với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thường là ở  bộ phận tiếp đón ban đầu, phát thuốc, hướng dẫn, xét nghiệm mà hầu như không phải bác sĩ điều trị. Còn các bác sĩ thì hay bị kêu ca là khám bệnh đôi khi còn sơ sài, không trao đổi kỹ với bệnh nhân - Tất nhiên tồn tại này còn do bệnh nhân quá đông, bác sĩ không có nhiều thời gian cho mỗi người bệnh.

Bộ trưởng Kim Tiến còn nêu ra những điều bức xúc nữa mà không ít người bệnh gặp phải: “Tại sao đơn thuốc cứ  kê 5-7 thuốc trong khi có thể là 2-3 thuốc ?; tại sao không kê thuốc tên gốc mà cứ kê tên thương mại khiến người bệnh phải mua với số tiền rất đắt? Tại sao vẫn còn tình trạng chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm quá mức cần thiết?”.

Để giải quyết tình hình, Bộ trưởng nêu ra biện pháp: “Cần có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế không hết lòng với người bệnh thì nên ra khỏi ngành". Bộ trưởng cũng nói sắp tới sẽ yêu cầu thanh tra y tế đóng vai  người đi khám bệnh, làm người nhà bệnh nhân để tìm hiểu rõ hơn tình trạng y đức.

Bấy lâu nay, sự xuống cấp y đức tại các cơ sở y tế công là thực trạng gây nhiều bức xúc cho người dân. Gia đình nào cũng từng có người ốm đau phải đi khám chữa bệnh và nếu không có người nhà làm việc tại bệnh viện thì hầu như chẳng mấy ai mà không nếm trải những khó khăn không đáng có. Tại buổi giao ban công tác khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm với các bệnh viện ở khu vực phía Bắc ngày 29/7 vừa qua, nhiều ý kiến chỉ ra rằng thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại bệnh viện công lập là một trong những vấn đề bị người bệnh phàn nàn nhiều nhất.

Nghề nào cũng cần có đạo đức, nhưng riêng với ngành y, lĩnh vực liên quan đến sự sống chết của con người thì y đức phải được xem trọng hàng đầu. Khoa học ngày nay tiến bộ hơn trước rất nhiều; nhưng máy móc, kỹ thuật hiện đại không phải là tất cả. Thái độ của người thày thuốc ảnh hưởng rất nhiều đến sự hồi phục của bệnh nhân. Hơn nữa chỉ khi người thày thuốc thực sự tận tâm với bệnh nhân, họ mới đem hết kiến thức, hiểu biết, khéo léo của mình để cứu đồng loại. Nếu y bác sĩ cũng coi công việc của mình là bình thường như mọi công việc khác, cho phép mình có những lúc lạnh lùng hay vô cảm thì người bệnh còn biết trông cậy vào đâu?

Lẽ dĩ nhiên để nâng cao y đức cho đội ngũ nhân viên y tế không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi nhiều giải pháp trong quá trình. Trả lời báo chí sau khi nhận nhiệm vụ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết không đưa ra lời hứa nào trong nhiệm kỳ XIII nhưng sẽ cùng các cộng sự cố gắng hết sức để giải quyết các vấn đề nóng bỏng, bức xúc hiện tại. Những điều Bộ trưởng nêu ra cho người ta cảm thấy như bà đã bắt đúng căn bệnh “thiếu y đức” với những “triệu chứng” muôn hình vạn trạng của nó và “kê” đơn chữa trị. Với phát biểu thẳng thắn của mình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khiến cho người ta hy vọng vấn đề y đức sẽ sớm được giải quyết hiệu quả.

Nâng cao y đức là cải thiện đời sống của người dân và đồng thời đó cũng là một trong những biểu hiện của văn minh xã hội./.  

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất