Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 5/5/2018 14:39'(GMT+7)

"Không khó để triển khai chương trình mới đúng tiến độ"

'

- Thưa giáo sư, ban soạn thảo đã tổ chức thực nghiệm xong chương trình mới. Sau thực nghiệm, chương trình môn học mới được đánh giá như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình mới đã được phần lớn cán bộ, giáo viên đánh giá cao về định hướng phát triển toàn diện phẩm chất năng lực, về các năng lực phẩm chất đã được xác định và các nội dung chương trình.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến giáo viên và cán bộ quản lý đánh giá chương trình một số bài học còn nặng. Điều này qua các giờ dạy thực nghiệm chúng tôi cũng quan sát được ở một số môn học, một số bài học thiên về kiến thức và khó, dẫn tới quá tải. 

Có hai loại quá tải. Quá tải về chất là những yêu cầu vượt trình độ nhận thức, vượt năng lực của học sinh. Cái này có nhưng rất ít. Quá tải nhiều hơn là quá tải về lượng, nghĩa là trong cùng một khoảng thời gian cho phép nhưng đòi hỏi học sinh phải làm quá nhiều việc, phải tiếp thu quá nhiều đơn vị kiến thức, không có thời gian cho học sinh vận động.

Đó là những điều chúng tôi rút ra được và hiện nay các môn học vẫn đang tích cực rà soát lại để sửa đổi. Sau khi sửa đổi sẽ có thêm lưới lọc là Hội đồng thẩm định để nâng chất lượng lên. 

- Một trong những khó khăn của thực hiện chương trình là cơ sở vật chất. Các thành phố có thuận lợi về trang thiết bị nhưng sỹ số lớp quá đông trong khi vùng khó khăn, sỹ số ít lại thiếu trang thiết bị. Vậy sau thực nghiệm, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Khi chọn mẫu trường, lớp dạy thử nghiệm, chúng tôi cũng đặt nguyên tắc phải có cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Cơ sở vật chất đúng là câu chuyện rất khó hiện nay. 

[Giải bài toán cơ sở vật chất đáp ứng giáo dục phổ thông mới]

Ở các thành phố, một lớp rất đông, càng trường tốt lại càng đông học sinh nên rất khó thực hiện đổi mới phương pháp. Một lớp đến 60 học sinh thực sự là một thử thách. Nhưng ở thành phố có lợi là nếu có tiền thì sẽ chồng tầng lên.

Vùng khó khăn thiếu trang thiết bị nhưng chương trình mới được xây dựng trên tinh thần của Nghị quyết 29 là dựa trên điều kiện thực tế nên không đòi hỏi nhiều về trang thiết bị. 

Khó nhất là việc triển khai học hai buổi/ngày ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, chương trình cũng được soạn thảo linh hoạt để học sinh chỉ cần học 6 buổi một tuần cũng có thể đảm bảo được.

Giờ học của thầy và trò trường Tiểu học Lũng Lìu, xã vùng cao Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)


- Cùng với đổi mới chương trình thì kiểm tra đánh giá cũng là khâu rất quan trọng, tác động ngược trở lại quá trình dạy và học, đặc biệt là tâm lý học để thi vẫn rất nặng nề. Vậy việc kiểm tra, đánh giá có được thực nghiệm không, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Việc kiểm tra đánh giá là việc rất quan trọng. Một số môn như môn Ngữ văn chúng tôi có đưa đề kiểm tra đánh giá để thử nghiệm. Có trường nói đề hay, có trường nói đề khó, đó là những thông tin bổ ích cho ban soạn thảo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ dạy thực nghiệm một vài tiết thì kiểm tra đánh giá không nói lên điều gì. 

Hiện nay tất cả các môn đều đã xây dựng đề kiểm tra đánh giá, ít nhất mỗi cấp một đề. Đề này sẽ được trình hội đồng thẩm định để hội đồng cho ý kiến.

- Chương trình mới dự kiến sẽ được triển khai từ năm học 2019-2020, bắt đầu với lớp một. Vậy các bước tiếp theo sẽ cần phải làm gì và liệu có kịp tiến độ không, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Hiện chúng tôi đang phải hoàn thiện chương trình và làm rất gấp rút. Thậm chí, 3 giờ sáng chúng tôi vẫn còn gửi mail cho nhau là bình thường.

Sau khi hoàn thiện, chương trình sẽ được Hội đồng thẩm định nghiên cứu ít nhất phải 15 ngày. Tôi nghĩ việc thông qua cũng không dễ dàng, nếu nhanh cũng phải một tháng. Nếu chỉ có một môn học chưa được thông qua thì cũng phải chờ.

Khi đã được Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ký quyết định ban hành.

Sau đó mới tổ chức tập huấn chương trình cho giáo viên cả nước. Việc tập huấn rất quan trọng vì ở Việt Nam giáo viên có thói quen chỉ quan tâm đến sách giáo khoa mà không quan tâm đến chương trình.

Bên cạnh đó là tập huấn cho người viết sách giáo khoa. Người viết sách có tâm huyết nhưng có thể không sát với giáo dục phổ thông nên cần tập huấn. Chúng tôi đang biên soạn tài liệu tập huấn. Sau đó, các tổ chức, cá nhân viết sách và gửi Hội đồng thẩm định sách xem xét.

Hiện chúng tôi đang tập trung vào lớp một để thực hiện đúng lộ trình là thực hiện từ năm 2019, chậm nhất là năm 2020 phải triển khai chương trình mới.

Lớp một chỉ có 6 môn học nên tôi nghĩ việc thực hiện đúng lộ trình là không khó. Chúng tôi đang hết sức cố gắng phấn đấu để chương trình triển khai kịp thời.

Tuy nhiên, ngoài ra còn có những việc không thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà liên quan đến các bộ ngành, địa phương khác thì Bộ phải làm việc với các địa phương để chuẩn bị cho thật tốt. 

Tôi được biết Chính phủ sẽ có chỉ thị để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa thành công. Chỉ thị đó không chỉ liên quan đến Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn liên quan đến các bộ ngành khác, các địa phương, nêu rõ trách nhiệm của từng bên. 

- Xin cảm ơn giáo sư!./.

Nguồn: Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất