Chủ Nhật, 29/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 19/3/2009 8:46'(GMT+7)

Không nên thờ ơ với các dự báo

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 mà các chuyên gia kinh tế của tập đoàn The Economist đưa ra ?

TS. Trần Đình Thiên: Tốc độ tăng trưởng GDP mà các chuyên gia tập đoàn Economist đưa ra theo tôi là hơi bi quan và thực tế sẽ không thấp đến mức như thế. Dù sao chúng ta cũng đừng thờ ơ với những dự báo như vậy vì họ dự báo có cơ sở, rất nghiêm túc và mang tính cảnh báo rất cao. Chúng ta không chỉ xem một con số đó mà xem cả hệ thống phân tích của họ để thấy rằng có nhiều vấn đề sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn ở một góc độ khác, theo tôi chúng ta cũng không nên quá quan tâm tới con số tăng trưởng mà quan tâm hàng đầu khác như việc làm, an sinh xã hội, đảm bảo ổn định cơ sở xã hội cho sự phát triển lâu dài. Tại thời điểm này nếu ta không quan tâm tới các vấn đề kinh tế giúp cho ổn định xã hội thì nhiều khi có thể tăng trưởng nhưng thiệt hại cho đời sống của nhân dân nhiều thì lại lợi bất cập hại.

Để thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, Chính phủ đã và đang tích cực triển khai gói kích cầu. Tuy nhiên theo ông làm thế nào để triển khai hiệu quả ?
Như nhiều chuyên gia khác cũng đã nói, bây giờ còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của các biện pháp kích cầu của Chính phủ và chúng ta cũng không mong một nền kinh tế sau hai năm chịu lạm phát cao và gặp nhiều khó khăn lại có thể phản ứng tích cực ngay với các biện pháp của Chính phủ. Tuy nhiên có nhiều yếu tố chúng ta thấy phải cổ động cho các biện pháp kích cầu như hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trên nguyên tắc tương đối công bằng. Tôi cho rằng điều này sẽ tạo cho doanh nghiệp tư nhân, nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn lực này, bởi khu vực này không chỉ tạo việc làm tốt và còn duy trì tăng trưởng với tốc độ tốt hơn cả doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn cũng cần đặc biệt lưu ý bởi khu vực này đảm bảo an toàn cho nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Tôi cho rằng nên hướng mạnh hơn nữa vào phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người nghèo.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng điểm yếu lâu nay của chúng ta là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, và đây là thời điểm thích hợp để điều chỉnh cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào ?

Cuộc khủng hoảng này làm bộc lộ điểm yếu về năng lực cạnh tranh, nên lúc này điều chỉnh cơ cấu là rất thích hợp, cơ bản là tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, không nên tiếp tục duy trì tỉ lệ cao về tài nguyên thô và lao động rẻ tiền. Tuy nhiên điều chỉnh cơ cấu phải điều chỉnh cả thể chế chứ không chỉ cơ cấu ngành, chẳng hạn như tăng cường năng lực quản trị vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước - nơi chiếm nhiều vốn nhưng tỉ lệ tăng trưởng không cao...

Một trong những khó khăn lớn nhất thường được nhắc tới là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng ?

Đây là đòi hỏi thiết yếu của mọi nền kinh tế. Cho dù không cải cách thì vẫn phải thực hiện điều đó. Tuy nhiên ở Việt Nam thì đó là phần yếu nhất nên cải cách có yếu tố then chốt.
Để cải cách lĩnh vực này, có nhiều biện pháp thực hiện, trong đó tránh độc quyền để giá thị trường có thể hút các khu vực tư nhân tham gia, bên cạnh đó cơ chế phải thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia bởi Nhà nước không thể kham hết tất cả các lĩnh vực...

Vấn đề tỷ giá, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ cần phải giảm giá tiền đồng để kích thích xuất khẩu. Ý kiến của ông thế nào ?

Tỷ giá phải điều chỉnh linh hoạt theo hướng đặt mục tiêu kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, tỷ giá luôn là một bài toán rất khó vì nó đụng đến lãi suất, đụng đến nợ, đến luân chuyển của dòng tiền...nên phải tính toán dựa trên nhiều yếu tố chứ không thể nói không được.

Xin cảm ơn ông ! 
 
(Theo VnMedia)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất