(TG) - Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế nếu được thực hiện đồng thời sẽ nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên và bảo đảm nguyên tắc: thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động giảng dạy tại hệ thống các trường chính trị hiện nay
Sứ mệnh của các trường chính trị còn cao cả hơn là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng hoạch định chính sách của các cơ quan Đảng và quản lý nhà nước; làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Trách nhiệm đó, đòi hỏi các trường phải có những đổi mới căn bản và toàn diện việc tổ chức dạy và học, tạo sự hứng thú và mang lại chất lượng cho người học. Để đạt được những yêu cầu trên, cần chú ý các nội dung sau:
Thứ nhất, rà soát và xây dựng lại nội dung, chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị. Việc biên soạn giáo trình là bước đầu tiên cần phải lưu ý và phải bảo đảm tính khoa học, logic và hệ thống. Việc xây dựng giáo trình như hiện nay (nhất là chương trình trung cấp lý luận chính trị) cho thấy các môn lý luận MácLênin đã không được đối xử như một môn khoa học, nội dung bị cắt xén, chắp vá và đang trở thành gây khó cho cả người dạy và người học. Giáo viên lúng túng trong chọn lựa truyền đạt kiến thức với quỹ thời gian eo hẹp. Học viên được nghe giảng những kiến thức rời rạc, chắp vá mang tính áp đặt. Một khối lượng kiến thức đồ sộ của chủ nghĩa Mác - Lênin với hệ thống các nguyên lý, phạm trù, quy luật của cả ba bộ phận cấu thành được tích hợp vào một môn tuy có giảm áp lực cho người học, giảm tải chương trình nhưng làm mất đi tính hệ thống, tính khoa học - vốn là những yêu cầu bắt buộc đối với các bộ môn khoa học. Trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, việc tích hợp này có thể chấp nhận được ở chừng mực nào đó nhưng ở các trường chính trị, đối tượng học viên là cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp, thì việc học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin cần phải chuyên sâu hơn. Vì chất lượng học tập của họ quyết định rất lớn đến chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, cần sớm có giải pháp khắc phục những bất hợp lý về nội dung chương trình trong các trường chính trị. Với nhiều năm kinh nghiệm tham gia giảng dạy trung cấp lý luận ở trường Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Học viện) xin đề xuất một số giải pháp:
Trước mắt, không nên tích hợp các môn lý luận Mác - Lênin, khôi phục lại ba môn học cơ bản hợp thành của chủ nghĩa Mác - Lênin là: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Về thời lượng, có thể sắp xếp lại sao cho phù hợp với từng cấp học.
Riêng môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, trong giáo trình hiện nay có sự cắt xén quá ngưỡng, khó hiểu. Đối tượng nghiên cứu của môn học chưa được làm rõ trong khi đây là môn học quan trọng, chạm đến rất nhiều vấn đề chính trị - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, cần sớm khắc phục tình trạng một giáo viên dạy nhiều môn học. Thực tế các trường luôn đặt yêu cầu là phải có trình độ thạc sĩ chuyên ngành, nhưng khi thực hiện tích hợp các môn lý luận buộc giáo viên phải dạy nhiều môn trong một chương trình, dẫn đến dạy thiếu chuyên sâu. Trong khi đó, đối tượng người học trong các trường và học viện chính trị là đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, nắm trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Nội dung chương trình phải chuyên sâu, chuyên ngành, và việc tổ chức học tập phải thực chất là học tập - nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Việc tích hợp giữa học tập và nghiên cứu trong quá trình dạy và học của giáo viên và học viên trong các trường chính trị phải là nguyên tắc bất biến.
Ngoài ra, cần chấm dứt tình trạng học đối phó của một bộ phận học viên. Thực tế khá phổ biến hiện nay, người học chưa thực sự chủ động học tập mà chỉ để đối phó với thi cử. Nhiều học viên đi học chỉ để hợp thức hóa bằng cấp, học để đủ chuẩn được đề bạt. Đáng tiếc hơn, nhiều cơ sở đào tạo đã “chiều” theo xu hướng này, tự cắt xén chương trình, dễ dãi trong đào tạo, làm cho việc dạy và học các môn lý luận chính trị ở một số nơi thực sự bất ổn. Giải pháp cho vấn đề này là nâng cao chất lượng đầu vào, bảo đảm đúng đối tượng ở từng bậc học; cải tiến cách ra đề và thi bằng cách viết tiểu luận, đi thực tế và viết báo cáo thực tế; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường tính tương tác với người học, lấy chất lượng đầu ra làm thước đo quá trình đào tạo.
Cần đưa một số nội dung trong môn Đường lối của Đảng về các môn Lý luận chính trị. Môn Đường lối cách mạng Việt Nam trong giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị, hiện như một cách tuyên truyền cổ động về đường lối của Đảng trên các lĩnh vực, mất đi nền tảng lý luận và tính khoa học của nó. Nhất là trong các vấn đề chính trị - xã hội như giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo, giáo viên khó có thể trình bày được phần căn cứ lý luận do thời gian quá eo hẹp. Cần đưa hai nội dung này trở về môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, gắn với hai bài trong chương trình là vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội. Về các bài đường lối kinh tế cũng cần đưa trở về với môn Kinh tế Chính trị học, hoặc Kinh tế phát triển. Điều này sẽ bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, bảo đảm liền mạnh giữa nền tảng lý luận và sự vận dụng của Đảng trong hoạch định chủ trương, chính sách phát triển đất nước trên các lĩnh vực, tránh tình trạng cắt khúc trong việc nghiên cứu lý luận với thực tế lãnh đạo đất nước của Đảng ta hiện nay.
Ba là, tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường chính trị. Giáo viên các môn lý luận chính trị phải được đào tạo chuyên ngành, khác với giáo viên trong hệ thống các trường đại học, họ phải có sự bảo đảm về mặt chính trị như yêu cầu bắt buộc trong toàn bộ hệ thống các trường chính trị, phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đều phải bảo đảm ứng dụng tri thức khoa học phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành ở địa phương; phục vụ tích cực cho hoạt động của hệ thống chính trị, gắn lý luận với thực tế.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên lý luận chính trị ngày càng già đi, đội ngũ giáo viên trẻ chưa đủ sức thay thế. Đây là một thách thức lớn trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, có thể đứng lớp độc lập, đủ sức thuyết phục và truyền cảm hứng đến người học có tuổi đời, vị trí công tác và sự trải nghiệm thực tế cao hơn. Vì vậy, người thầy không chỉ nắm vững hệ thống kiến thức môn học mà còn phải có kiến thức thực tế và kiến thức liên ngành phong phú. Việc giảng dạy các môn Lý luận Mác - Lênin, đặc biệt yêu cầu cao người dạy khả năng thuyết trình, luận giải, phân tích và tư duy khái quát, không dễ dàng đối với giáo viên trẻ, nhưng lại là ưu thế đối với giáo viên lớn tuổi. Tuy nhiên, giáo viên trẻ lại có ưu thế về phương pháp và công nghệ, họ thường có những cách truyền đạt sinh động hơn, nhưng độ sâu kiến thức lại là điều đáng bàn. Vì vậy, kiểm soát nội dung giảng dạy để đánh giá việc cập nhật kiến thức của giảng viên là điều cần thiết. Có thể triển khai một số giải pháp góp phần nâng chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, củng cố kiến thức, năng lực ứng dụng các tri thức khoa học vào giải quyết những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Thứ hai, tăng cường nghiên cứu thực tế gắn với các cơ quan Đảng, nhà nước trong hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế, xã hội; gắn với từng môn học, từng lĩnh vực nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế nếu được thực hiện đồng thời sẽ nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên và bảo đảm nguyên tắc: thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động giảng dạy tại hệ thống các trường chính trị hiện nay. Sinh thời, V.I. Lênin từng chỉ giáo: Không tiến hành công tác giáo dục lý luận chính trị, thì hoạt động chính trị tất nhiên biến thành trò chơi. Muốn tạo ra sự thay đổi thực tế ấy thì phải làm sao cho quần chúng quan tâm và tích cực tham gia vào các sự kiện. Nhưng quần chúng rất khó có thể đạt được trình độ tự giác như thế nếu không có sự tác động nào từ phía công tác giáo dục lý luận chính trị. Đó cũng là bài học quan trọng đối với các trường, các học viện chính trị nước ta hiện nay./.
TS. Vũ Thị Mai Oanh - Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
_____________________________
Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 6/2018