Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 23/7/2009 11:31'(GMT+7)

Không thể chấp nhận giá sữa cao phi lý

Người tiêu dùng cần thay đổi lại quan niệm dùng sữa ngoại tốt hơn sữa nội.

Người tiêu dùng cần thay đổi lại quan niệm dùng sữa ngoại tốt hơn sữa nội.


Giá sữa Việt Nam cao hơn khu vực 20-150%

Việc giá sữa ở Việt Nam quá cao đã gây bức xúc trong công luận và xã hội. Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều cuộc hội thảo về giá sữa đã được các cơ quan chức năng tổ chức, nhiều bài viết chuyên đề về giá sữa trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được công bố cho người tiêu dùng biết được một phần thực trạng thị trường sữa Việt Nam.

Ông Đặng Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương chia sẻ một thông tin “giật mình”: Kết quả khảo sát giá của hơn 100 loại sữa khác nhau thuộc khoảng 10 hãng sữa nước ngoài như Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, Friso, XO, Dutch Lady… cho thấy, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cao hơn tới 20-60%, thậm chí có trường hợp cao hơn 150%.

Đây là câu chuyện rất bất hợp lý, bởi mức thuế nhập khẩu với sữa bột nguyên liệu và sữa bột nguyên hộp vào Việt Nam không quá 10%, thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu vào Thái Lan (0-40%). Nhưng giá hầu hết các mặt hàng sữa bột ở Việt Nam lại cao hơn Thái Lan từ 20-60%. Đặt một phép tính đơn giản cũng có thể thấy, với mức thuế tương ứng thì giá sữa trong nước của Việt Nam chỉ cao hơn 25-30% so với các nước láng giềng, nếu cao tới hơn 150% là bất hợp lý.

Giá sữa tăng cao cũng còn do các nhà phân phối vin vào lý do hơn 70% nguồn nguyên liệu sản xuất sữa cung cấp cho thị trường nội địa là nhập khẩu, trong đó 50% là nguyên liệu và 22% là sữa thành phẩm.

Điều này cho thấy, thị trường sữa ở VN phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài từ số lượng, chủng loại mặt hàng, giá cả và phương thức mua bán.

Hiện thị trường có 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và sữa thành phẩm. Đáng lẽ nguồn cung dồi dào này sẽ tạo ra cạnh tranh, đẩy giá sữa giảm xuống. Song thực tế, sữa bột nhập khẩu luôn có xu hướng tăng mạnh từ 2007 đến nay, thậm chí từ quý III/2008, giá sữa ngoại giảm thì trong nước vẫn tăng.

Mới đây, hôm 16/7, Bộ Tài chính có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin ý kiến về phương án tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm như sữa chưa pha thêm đường và chất tạo ngọt khác, sữa dùng cho y tế...Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng sữa bột lên 5%. Các loại sữa chưa pha đường, một số loại khác dự kiến tăng lên mức 5-7%, thay cho 0-3% hiện hành. Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh thuế sẽ không ảnh hưởng đến giá cả vì hiện, sữa nguyên liệu nhập khẩu đã giảm mạnh từ 5.700 USD xuống còn 1.800-2.200 USD một tấn.

Cơ quan quản lý đứng ở đâu?

Giải thích cho việc giá sữa trong nước tăng, nhiều ý kiến cho rằng do tỷ giá tăng cao. Nhưng các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, tỷ giá hối đoái chỉ tăng 6-8% thì giá sữa không có lý gì tăng tới vài chục phần trăm như hiện nay!

Còn theo ông Vũ Công Chính, Cục phó Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, giá sữa nhập cao phần lớn do phụ thuộc sữa nhập khẩu. Nhóm tăng cao chủ yếu là nhóm hàng sữa bột nhập thành phẩm, so với sữa bột nội sản xuất trong nước cao gấp 2-3 lần. Ví dụ, hộp sữa cho trẻ em 900g do Vinamilk sản xuất chỉ 111.000 đ/hộp, của Cô gái Hà Lan là 127.000 đ/hộp trong khi sữa ngoại của hãng Abbott là 183.000 đ/hộp, của Dumex là 255.000 đ/hộp, cao gấp 1,5 đến 2,3 lần sữa nội.

Sữa là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, theo đó trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường sẽ áp dụng biện pháp bình ổn giá. Nhưng quy định này trên thực tế đang bị buông lỏng. Có những thời điểm giá sữa tăng cao đột biến, người tiêu dùng thì ngậm ngùi mua còn cơ quan quản lý “bó tay”, không thể bình ổn được giá.

Để thắt chặt công tác quản lý giá sữa, mới đây Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Cục quản lý giá thực hiện thanh tra thuế, kết hợp kiểm tra giá sữa ở một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa trong quý II/2009, nhưng kết quả còn đang tổng kết.

Cạnh tranh không lành mạnh

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - ông Vương Trí Dũng – nhấn mạnh: “Luật cạnh tranh của chúng ta chưa đầy đủ, như trong lĩnh vực quảng cáo và cạnh tranh bán sữa, các hãng sữa không từ thủ đoạn quảng cáo cạnh tranh nào từ tài trợ cho các trò chơi truyền hình, tổ chức mua sữa từ thiện cho trẻ em nghèo… Cần điều chỉnh các hoạt động cạnh tranh quảng cáo không lành mạnh hiện nay với sự tham gia tích cực hơn nữa của Cục quản lý cạnh tranh”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần điều tra làm rõ có hay không việc độc quyền liên kết làm giá giữa các doanh nghiệp sữa ngoại, nhằm xử lý mạnh mẽ và khắc phục các khe hở của pháp luật mới hạn chế và minh bạch chất lượng và giá thành sữa nhập.

Việc quảng cáo các sản phẩm sữa với chi phí lớn trên các kênh truyền hình, báo nói, báo viết và tổ chức tiếp thị, việc tiếp thị và chia sẻ hoa hồng trực tiếp đến người mua, người quyết định sử dụng tại các nhà trẻ và trường tiểu học, đến các bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá tại các bệnh viện là "vũ khí sắc bén" của các nhà nhập khẩu, phân phối sữa bột trẻ em. Chi phí này cũng là nguyên nhân gây chênh lệch giá cao như hiện nay, đây cũng là hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Lý rằng, thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố liên quan đến việc công bố các nhãn sữa có hàm lượng đạm thiếu một cách trầm trọng, gần như là sữa giả, là một việc làm hoàn toàn cần thiết giúp bảo vệ người tiêu dùng cũng như ngăn chặn những công ty kinh doanh không lành mạnh, tuy nhiên danh sách này cũng liệt kê cả những nhãn sữa có kết quả kiểm nghiệm chỉ chênh lệch thấp hơn từ 1-2% so với giá trị trên bao bì vẫn nằm trong giới hạn cho phép của hồ sơ công bố tại Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm.

Việc đưa thông tin như trên, đã đánh đồng các nhà sản xuất chân chính với các công ty kinh doanh gian dối, gây sự lo lắng cho người tiêu dùng, dẫn đến các phản ứng: Ngừng sử dụng sữa nội cho trẻ em, người tiêu dùng phải mua sữa ngoại nhập với số tiền gấp hai, ba lần so với các sản phẩm sản xuất trong nước mà chức năng, hàm lượng dinh dưỡng, nguồn cung ứng nguyên liệu và thậm chí cả dây chuyền công nghệ sản xuất chỉ tương đương với sữa nội.

Người tiêu dùng cần thay đổi quan niệm

Về phía người tiêu dùng, phần lớn bà mẹ mua sữa cho con, hầu hết không đọc kỹ thành phần trên nhãn, không thực sự hiểu cặn kẽ về chất lượng sữa.

Do vậy, người tiêu dùng cần thay đổi lại quan niệm dùng sữa ngoại tốt hơn sữa nội – bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nutifood khuyến nghị, tránh cho mình việc phải móc túi đều đặn chi trả cho những loại sữa có giá cao đến phi lý.

Bị hấp dẫn trước những quảng cáo bắt mắt, người tiêu dùng thậm chí không nhớ tên sữa gì mà chỉ nhớ tên nước xuất xứ như Pháp, Đan Mạch, Hà Lan…và xem đấy như tiêu chí khẳng định chất lượng sữa. Đáng nói là các bà mẹ tin tưởng việc uống sữa ngoại sẽ giúp con thông minh hơn, cao hơn như lời quảng cáo, mà không hề biết rằng chất lượng sữa nội và ngoại gần như tương đương nhau. Việc thiếu thông tin định hướng từ phía cơ quan quản lý khiến người tiêu dùng đang phải mò mẫm và mua theo thị hiếu đám đông.


(Theo: Vũ Trọng/Cổng TTĐTCP)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất