Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết số người Hy Lạp
và Tây Ban Nha chuyển đến khu vực Bắc Âu sinh sống ngày càng tăng, do tỷ lệ thất
nghiệp tăng mạnh và các chính sách tài chính khắc khổ khiến cuộc sống của người
dân ở miền Nam châu lục này khó khăn hơn.
Trong báo cáo hàng năm về hoạt động di cư, OECD cho biết trong năm 2011-2012, số
người Hy Lạp tới Đức đã tăng hơn 70% lên 34.000 trường hợp, trong khi số người
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha di cư đã tăng gấp rưỡi.
Theo Tổng thư ký OECD
Angel Gurria, số lao động lành nghề từ các nền kinh tế bị khủng hoảng đã tăng
mạnh, và điều này thể tác động xấu tới sự phục hồi kinh tế. Tổng thư ký OECD
cảnh báo "hiện tượng chảy máu chất xám này sẽ gây ra những hậu quả lâu
dài."
Hiện Tây Ban Nha và Hy Lạp là những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao
nhất trong số các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), với hơn một nửa
số thanh niên không có việc làm, sau những năm suy thoái kinh tế do khủng hoảng
nợ công.
Báo cáo của OECD cho biết, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng,
người dân EU lựa chọn sinh sống ổn định trong nước hơn là ra nước ngoài, theo đó
tỷ lệ di cư giảm 40% từ năm 2007-2010. Tuy nhiên, xu hướng này đang bắt đầu thay
đổi, khi số người di cư giữa các nước EU tăng 15% vào năm 2011.
Ngoài ra,
báo cáo của OECD cũng cho biết trong hai năm qua số người tị nạn ở các nước OECD
đã tăng 28%, trong đó chủ yếu là người tị nạn đến từ các nước như Syria và
Libya.
Những điểm đến hàng đầu ở châu Âu được người tị nạn lựa chọn là
Pháp và Đức, trong khi Luxembourg, Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng đang tiếp nhận ngày
càng nhiều người tị nạn./.
(TTXVN)