Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 6/12/2010 11:16'(GMT+7)

Kiểm định chất lượng đại học theo chuẩn Đại học Đông Nam Á (AUN)

AUN đánh giá chương trình tại ĐH Công nghệ ĐHQGHN tháng 6/2009

AUN đánh giá chương trình tại ĐH Công nghệ ĐHQGHN tháng 6/2009

Tại hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH do Bộ GD&ĐT tổ chức, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng cần có những tiêu chuẩn quốc tế trong đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Trong đó PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQGHN) giới thiệu mô hình đánh giá kiểm định chất lượng (KĐCL) chương trình giáo dục theo tiêu chuẩn Đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN).

Tháng 12/ 2009, mạng lưới đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) gồm 21 trường ĐH hàng đầu trong khu vực đã tổ chức đánh giá ngoài, mức độ cấp chương trình theo tiêu chuẩn của mình (AUN-QA) đối với 4 chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM.

Sau 1 tháng làm việc trực tiếp tại các trường, kết quả đánh giá chính thức đã được thông báo. Theo đó, cả 4 chương trình đào tạo của các trường đều được đánh giá có chất lượng tốt và đạt các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục khu vực ASEAN.

Kết quả cụ thể chương trình đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) của trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG - TP.HCM) đạt số điểm đánh giá cao nhất là 4,92; chương trình CNTT của trường ĐH Quốc tế (ĐHQG - TP.HCM): 4,61; chương trình CNTT của ĐH Công nghệ (ĐHQG HN): 4,52; chương trình Điện tử - viễn thông của trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM): 4,1. Được biết, điểm cao nhất cho đến nay của các trường khác trong khu vực ASEAN đã tham gia đánh giá là 5,2 (trên thang điểm 7).

Theo kế hoạch, đầu tháng 12/2010, đoàn đánh giá ngoài của AUN sẽ vào đánh giá thêm một chương trình của ĐHQGHN. Sau đó mỗi năm ĐHQGHN sẽ có 2 chương trình đăng ký để KĐCL của AUN

Bộ 18 tiêu chuẩn của AUN gồm một số tiêu chuẩn đáng chú ý như : Kết quả học tập mong đợi, quan điểm sư phạm và chiến lược giảng dạy/ học tập, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, đầu ra, sự hài lòng của các đối tượng liên quan…

PGS.TS Nguyễn Phương Nga cho biết: “Tiêu chuẩn KĐCL chương trình giáo dục của AUN được xây dựng theo triết lý khoa học, đào tạo theo chuẩn đầu ra, đáp ứng sự hài lòng của các bên liên quan”. Với triết lý như vậy, từ tiêu chuẩn đến tiêu chí và xuống đến các chỉ số đánh giá đều tập trung đánh giá một quy trình khép kín từ mục đích, mục tiêu đến sự tham gia của các bên liên quan.

TS. Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Mục đích của việc đánh giá chương trình của AUN là tiến tới đào tạo liên thông giữa các trường đạt tiêu chuẩn trong khu vực. Những trường ĐH tốt nhất của 10 nước trong khu vực đều tự nguyện tham gia đánh giá chương trình.Việc đánh giá này còn giúp các trường ĐH hiểu biết lẫn nhau, tin tưởng nhau, từ đó xây dựng chiến lược cho việc trao đổi tín chỉ và đào tạo liên thông giữa các trường trong mạng lưới AUN”.

Khi các chương trình được đánh giá đạt tiêu chuẩn khu vực, các trường sẽ tiếp tục đầu tư để xứng đáng với kết quả kiểm định cũng như nâng cao hơn nữa chương trình đào tạo của mình.

Bên cạnh đó, sinh viên có quyền lợi là có cơ hội được liên thông với các trường ĐH trong khu vực. Ngược lại, khi đã đạt tiêu chuẩn kiểm định của AUN thì các trường ĐH Việt Nam cũng thu hút được sinh viên của các nước tới học. Điều này sẽ mang lại uy tín cho ĐH Việt Nam cũng như tạo sự tự tin rất lớn cho sinh viên, giảng viên.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga kiến nghị: “Để hội nhập với các trường ĐH trong khu vực ASEAN và để đạt chuẩn chất lượng của khu vực, các trường ĐH ở Việt Nam nên thí điểm đánh giá chương trình giáo dục của trường theo tiêu chuẩn AUN”.

Bà Nga cũng mạnh dạn đề nghị: “Bộ GD&ĐT nên xem xét và có thể khuyến cáo các trường nên sử dụng các tiêu chuẩn ĐKCL của AUN làm bộ tiêu chuẩn chung để đánh giá chất lượng chương trình giáo dục của các trường ĐH và các chương trình liên kết được triển khai ở Việt Nam”

Ông Nguyễn Khánh Sơn, đại diện ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Trường ĐH Cần Thơ nhận thấy bộ tiêu chuẩn AUN là bộ tiêu chuẩn quốc tế phù hợp cho việc đánh giá tất cả các chương trình đào tạo của trường.”

Ngày 8/10/2008, hiệu trưởng ĐH Cần Thơ đã quyết định áp dụng bộ tiêu chuẩn AUN trong đánh giá KĐCL giáo dục ĐH của trường.

Năm 2009, ĐH Cần Thơ đã tiến hành đánh giá tổng cộng 12 chương trình giáo dục. Trong đó 9 chương trình giáo dục hoàn thành đạt yêu cầu và được kiểm tra chéo, hiện tại đang được triển khai. Năm 2010, ĐH Cần Thơ tiếp tục đánh giá 16 chương trình giáo dục và hiện đang tiến hành tổng hợp kết quả.

Đánh giá về kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn AUN, ông Sơn cũng cho biết:“Đội ngũ cán bộ tham gia đánh giá chương trình theo tiêu chuẩn AUN đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm giá trị. Thông qua việc đánh giá chương trình giáo dục, các cá nhân và đơn vị liên quan cũng nâng cao được ý thức trong công tác đảm bảo chất lượng đào tạo”./.

AUN gồm 21 trường ĐH hàng đầu của 10 nước Đông Nam Á. AUN hoạt động với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác và tình đoàn kết giữa các chuyên gia, học giả, viện sỹ và nhà khoa học trong khu vực; phát triển nguồn nhân lực cho khối giáo dục và các ngành nghề khác trong khu vực; thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin trong cộng đồng giáo dục ASEAN và nâng cao nhận thức về bản sắc khu vực và bản sắc ASEAN cho các thành viên.

(Theo: VTC)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất