Tuy có quy định giấy phép lái xe cho từng hạng xe, nhưng mấy ai kiểm tra được việc đó; thái độ tham gia giao thông của chủ phương tiện quá kém cỏi, thậm chí họ không ý thức hết được tầm quan trọng của mình khi nắm trong tay tính mạng người khác; tình trạng xe quá hạn sử dụng vẫn ngang nhiên vận hành…
Mỗi năm, gần 10.000 người chết bởi tai nạn giao thông. Có người đã ví von, giống như mỗi năm đất nước phải chịu một đợt sóng thần cướp đi mạng sống của từng ấy con người. Điều đáng nói là cái chết thương tâm đến với họ không phải lỗi do chính họ mà bởi sự bất cẩn, tắc trách của một bộ phận những người điều khiển các phương tiện giao thông công cộng.
Nhiều người hẳn còn nhớ những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Đó là chiếc xe chở cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa rơi xuống vực tại địa phận tỉnh Kon Tum, làm 31/33 người có mặt trên xe thiệt mạng. Vụ xe khách bị nước lũ nhấn chìm khiến 19 người thiệt mạng trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận Hà Tĩnh do lái xe chủ quan, vẫn cho xe đi khi nước lũ dâng cao; vụ tàu hỏa đâm 6 ô tô trên cầu Ghềnh; vụ chìm tàu Dìn Ký do người điều khiển chưa có bằng lái, đã cướp đi sinh mạng 16 người…
Gần đây nhất là vụ chìm tàu Trường Hải Star, nguyên nhân do sự tắc trách và chủ quan của thuyền trưởng và hoa tiêu dẫn tàu; vụ xe khách lao khỏi cầu Sê-rê-pok (Đắc Lắc) khiến 55 người chết và bị thương.
Có thể thấy, những năm qua, số lượng người chết vì tai nạn giao thông không có xu hướng giảm; hơn nữa tính chất các vụ tai nạn ngày càng nghiêm trọng. Từ đường bộ, đường thủy đến đường sắt…, tai nạn diễn ra tuy không giống nhau nhưng đều có chung nguyên nhân như: phương tiện không đảm bảo an toàn, người điều khiển phương tiện chủ quan, xử lý tình huống kém, uống rượu bia khi tham gia giao thông, ý thức chấp hành luật chưa cao, thậm chí chưa có giấy phép điều khiển phương tiện.
Không một ngày nào là không có thông tin tai nạn từ nơi này, nơi kia, cướp đi sinh mạng của hàng trăm con người vô tội. Chưa bao giờ sinh mạng con người mong manh đến thế! Tất cả phụ thuộc vào hành vi của người cầm lái. Cả xã hội phẫn nộ với câu hỏi: do đâu một vài cá nhân lại được quyền quyết đinh số mệnh người khác bằng sự cẩu thả, vô ý thức của chính mình?
Nếu như phi công lái máy bay được coi là một nghề đặc thù, công tác tuyển chọn rất gắt gao để chọn ra những con người ưu tú từ trình độ kỹ thuật đến năng lực nhận thức, sức khỏe… thì việc tuyển chọn, sử dụng những người vận hành các phương tiện vận tải khác lại không được coi trọng, thậm chí rất qua loa, hình thức.
Tuy có quy định giấy phép lái xe cho từng hạng xe, nhưng mấy ai kiểm tra được việc đó; thái độ tham gia giao thông của chủ phương tiện quá kém cỏi, thậm chí họ không ý thức hết được tầm quan trọng của mình khi nắm trong tay tính mạng người khác; tình trạng xe quá hạn sử dụng vẫn ngang nhiên vận hành…
Vì sao lại có những cái chết thương tâm? Đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả những người đang sống. Tất cả sẽ là quá muộn khi chúng ta chỉ biết nói “Nếu như tài xế không... thì đâu ra nông nỗi!”.
Khi trách nhiệm còn lơ lửng thì nỗi đau mất sinh mạng sau những vụ tai nạn giao thông thảm khốc là có thật, đang hiện hữu. Đã đến lúc chúng ta cần coi nghề điều khiển các phương tiện giao thông công cộng là một nghề đặc biệt. Những người ngồi sau vô lăng, chịu trách nhiệm trước tính mạng của hàng trăm người không chỉ phải vượt qua bài thi sát hạch, mà phải luôn được học, nâng cao nhận thức về việc nắm luật và thực hiện luật. Họ cần được trang bị những kỹ năng để xử trí các tình huống bất ngờ; phải được tuyển chọn và kiểm tra thường xuyên một cách gắt gao; có chế độ làm việc đặc thù…
Sóng thần tự nhiên có thể không kiểm soát được, nhưng cần và bắt buộc phải kiểm soát được cơn “sóng thần” gây tai nạn giao thông, để giảm bớt những đau thương, mất mát do sự chủ quan, thiếu ý thức, vô trách nhiệm của con người gây ra./.
(Thu Hà/QĐND)