Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 23/5/2012 13:44'(GMT+7)

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Chỗ dựa tin cậy của ngư dân

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có gần 8.500 tàu thuyền hoạt động trên biển, tổng công suất gần 680.000 cv, trong đó có khoảng 1.700 chiếc công suất 90 cv trở lên hoạt động khai thác xa bờ và làm dịch vụ trên biển. Những năm gần đây, do ngư trường xa, thời tiết diễn biến thất thường, thiếu thông tin dự báo và thị trường giá cả không ổn định….Trong khi đó, chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao, hoạt động dài ngày hiệu quả thấp, …ngư dân phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Từ những khó khăn đó, mô hình hợp tác khai thác trên biển đầu tiên được hình thành chủ yếu là do bà con, dòng tộc, người thân trong một bộ phận ngư dân tự thỏa thuận, hợp tác, liên kết khai thác, vận chuyển sản phẩm, cứu nạn, cứu hộ trên biển khi có sự cố, bão táp.Theo đó, mỗi tổ, đội có từ 3 đến 5 thuyền liên kết hỗ trợ nhau tăng thời gian bám biển, giảm hao tốn nhiên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo đảm chất lượng sản phẩm, không bị tư thương ép giá, góp phần tăng thu nhập cho chủ phương tiện và người lao động.

Ông Trần Hữu Ánh, chủ phương tiện đánh bắt hải sản ở phường Đức Thắng (TP Phan Thiết) cho biết: làm biển bây giờ rất khó vì ngư trường xa, giá cả vật tư, nhiên liệu tăng cao, ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí lớn, thời tiết thất thường nên không dám đi “mồ côi” một mình như ngày xưa, mà phải rủ vài ba thuyền “bổn đạo” cùng đi để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển, tiết kiệm chi phí và nắm bắt được thông tin ngư trường, thời tiết để bám biển dài ngày đánh bắt có hiệu quả hơn. Tương tự như vậy, nhiều tàu thuyền liên kết giúp nhau luân phiên vận chuyển hải sản, cung cấp nhiện liệu, thực phẩm và nhất là khi tàu thuyền gặp sự cố về máy móc, bão tố… Tuy nhiên, hình thức liên kết này chỉ dừng lại ở mức độ tự nguyện, thỏa thuận với nhau trong từng chuyến biển, nên thiếu tính bền vững. Do được hình thành tự phát và đa số xuất phát từ một gia đình, dòng tộc, bạn bè thân thích, nên có lúc, có nơi giữa các thành viên trong tổ, nhóm thiếu hiệp đồng, hợp tác chặt chẽ trong tổ chức sản xuất; do tư tưởng đánh bắt riêng lẻ vẫn còn tồn tại trong một bộ ngư dân dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Cũng trên tinh thần tự nguyện và ràng buộc trách nhiệm để hỗ trợ nhau trong hoạt động đánh bắt xa bờ; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão tố và góp phần giữ vững an ninh biển đảo…Chủ trương xây dựng tổ đoàn kết (TĐK) khai thác hải sản trên biển ở Bình Thuận ra đời được bà con ngư dân đồng tình hưởng ứng. Thành viên tham gia trong tổ là ngư dân có tàu thuyền hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng họ hàng và bạn bè thân thích … đoàn kết, chung sức cùng nhau thực hiện quy chế đề ra và được sự quan tâm giúp đỡ, giám sát của chính quyền, đoàn thể, ban ngành liên quan và lực lượng Biên phòng sở tại.

Quy chế đề ra được các thành viên bàn bạc và thống nhất thực hiện phù hợp với đạo lý, truyền thống đoàn kết của bà con ngư dân vùng biển. Trong đó, luôn coi trọng tinh thần tương thân, tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ nhau trong sản xuất, nhất là phòng, tránh thiên tai, tham gia cứu hộ, cứu nạn và góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển. Theo đó, thành viên các TĐK trên biển được tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn; thường xuyên nắm bắt được thông tin liên lạc hai chiều giữa đất liền và tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Những thông tin về dự báo thời tiết, áp thấp, bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển được xử lý nhanh và kịp thời không để xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua đó, cũng góp phần cùng với lực lượng Biên phòng giữ vững an ninh vùng biển.

Tính đến nay, các địa phương vùng biển tỉnh Bình Thuận đã thành lập 623 tổ đoàn kết với hơn 4.000 thuyền và hơn 25.500 lao động biển tham gia. Huyện Đảo Phú Qúy (Bình Thuận) là một trong những địa phương thành lập sớm tổ đoàn đánh bắt trên biển với gần 50 tổ của hơn 300 tàu và 2.500 lao động tham gia. Lực lượng này không chỉ giúp nhau khai thác, vận chuyển thu mua trên biển mà còn tích cực phối hợp với lực lượng Biên phòng kêu gọi hàng ngàn lượt tàu thuyền vào bờ khi có bão; tham gia cứu hộ, cứu nạn, đưa hàng chục trường hợp tàu thuyền bị hư hỏng máy móc, tại nạn, sự cố … khi đang hoạt động trên biển.

Để có Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân, mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với phường Bình Hưng (TP Phan Thiết) và xã Tam Thanh (huyện đảo Phú Quý) thành lập được 2 Nghiệp đoàn khai thác hải sản với 29 thuyền và thu hút gần 300 đoàn viên tham gia trên các thuyền công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Hùng Hoàng, đoàn viên Nghiệp đoàn khai thác hải sản Bình Hưng 3 cho biết: ngư dân có truyền thống đùm bọc, giúp đỡ nhau khi có hoạn nạn trên biển. Nghiệp đoàn nghề cá ra đời, ngư dân được trang bị thêm những kiến thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước; giúp cho bà con ngư dân nắm bắt được thông tin, đoàn kết, tương thân, tương ái gắn bó với nhau hơn trong xử lý các tình huống rủi ro, tai nạn, sự cố …trên biển, là chỗ dựa đáng tin cậy của bà con ngư dân chúng tôi khi đi xa đánh bắt./.

Tấn Hùng - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất