Thứ Ba, 3/12/2024
Lý Luận
Thứ Hai, 13/5/2024 9:20'(GMT+7)

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng - Kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng. (Ảnh: TTXVN)

Trong hệ quan điểm chỉ đạo xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), cùng với tiếp tục khẳng định kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”(1).

Về lý luận, nguyên tắc là vấn đề có tính sống còn đối với một tổ chức, tuân thủ các nguyên tắc thì tổ chức vững mạnh, từ bỏ hoặc thực hiện không nghiêm túc các nguyên tắc thì sẽ dẫn đến sự rệu rã, giảm sút sức mạnh, thậm chí đứng trước nguy cơ tan rã của tổ chức. Cho đến trước Đại hội VII của Đảng (năm 1991), Đảng ta khẳng định trong Đảng có ba nguyên tắc: nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc đoàn kết thống nhất. Đại hội VII của Đảng bổ sung hai nguyên tắc: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều lệ Đảng do Đại hội XI của Đảng thông qua khẳng định: “lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”(2).

Trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, để bảo đảm yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Đảng ta luôn kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng và đạt được những thành tựu quan trọng. Một là, giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng ngay khi khởi đầu công cuộc đổi mới. Hai là, khẳng định tính đúng đắn và kiên quyết giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng trong thời điểm đặc biệt: chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, đảng cộng sản và công nhân ở các nước này mất vị thế cầm quyền. Ba là, không chỉ giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng đã được khẳng định, mà còn bổ sung các nguyên tắc mới cần thiết; đồng thời, không ngừng tổng kết thực tiễn, hoàn thiện các nguyên tắc xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Bốn là, vừa kiên định, vừa không ngừng cụ thể hóa, hoàn thiện nội dung của từng nguyên tắc. Năm là, kiên quyết bảo vệ nguyên tắc, kịp thời đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với các nguyên tắc xây dựng Đảng.

NHỮNG KINH NGHIỆM RÚT RA QUA THỰC TIỄN KIÊN ĐỊNH CÁC NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẢNG

Một là, gắn việc kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng với kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới.

Về bản chất, các nguyên tắc xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam đều dựa chắc trên nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cộng sản và công tác xây dựng Đảng. Vì thế, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng đương nhiên gắn liền với kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đó như là một bộ phận hữu cơ của kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Không thể kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng nếu thoát ly những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cộng sản. Việc kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng có sự bổ sung, phát triển cũng chính là sự tuân thủ, nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tránh giáo điều, rập khuôn máy móc học thuyết Mác - Lênin.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở kiên định và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng cốt để Đảng thực hiện tốt sứ mệnh lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và lãnh đạo đất nước giữ vững độc lập dân tộc, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, không ngừng phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ngày nay. Vì thế, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng phải gắn kết chặt chẽ với việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới. Sẽ là trống rỗng, không có sức sống, thậm chí mất định hướng, nếu việc duy trì các nguyên tắc xây dựng Đảng không giải quyết được các vấn đề đặt ra trong nội bộ Đảng và trong hoạt động lãnh đạo của Đảng ở từng thời kỳ cách mạng; không đặt trong việc thực hiện mục tiêu giải phóng, giành độc lập dân tộc và giành chính quyền trước đây, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN hiện nay. Ở đây, việc gắn kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng với kiên định đường lối đổi mới bao hàm sự kiên định các nguyên tắc trong công cuộc đổi mới đất nước đã được Đảng ta xác định; kiên định đường lối phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Hai là, kiên định nguyên tắc xây dựng Đảng bằng việc cụ thể hóa nguyên tắc trong Điều lệ Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy chế, quy định, hướng dẫn của Đảng.

Các nguyên tắc xây dựng Đảng đều là những mệnh đề ngắn gọn, mang tính khái quát cao, trong khi hệ thống tổ chức của Đảng, thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hoạt động của Đảng rất phong phú, đa dạng. Trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, đảng viên đều có thể nhận thức đúng về các nguyên tắc; loại trừ những trường hợp cố tình vận dụng sai, vi phạm nguyên tắc vì mục đích cá nhân, “lợi ích nhóm”, có không ít trường hợp hiểu nguyên tắc chưa thật chuẩn xác, hoặc có các cách hiểu khác nhau. Cũng có nhiều tình huống thực tế mà các quy định của Đảng chưa bao quát hết, chưa cụ thể, hoặc bị lạc hậu... Do đó, để kiên định nguyên tắc, thì việc cụ thể hóa nguyên tắc trong Điều lệ Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy chế, quy định, hướng dẫn của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt cần thiết; trong đó, cần coi trọng việc xây dựng, ban hành, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của các cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, quy chế quan hệ công tác giữa các cấp ủy, tổ chức đảng. Chẳng hạn, trong điều kiện có chính quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các cấp ủy viên được bố trí đảm nhiệm cương vị người đứng đầu, các vị trí chủ chốt trong cơ quan nhà nước, nội dung “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong nguyên tắc tập trung dân chủ cần được quy định phù hợp; cũng là cơ quan lãnh đạo đảng, nhưng đảng đoàn, ban cán sự đảng có nhiều đặc điểm khác cả về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động so với cấp ủy... Việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong các lĩnh vực tư tưởng, tổ chức và cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kinh tế, văn hóa, tư pháp, quốc phòng, an ninh cũng cần có quy định phù hợp.

Quân và dân tuần tra biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Ba là, bám sát thực tế tổ chức và thực tiễn hoạt động của Đảng để kịp thời bổ sung, hoàn thiện nội dung của các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Các nguyên tắc xây dựng Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, việc thêm bớt nguyên tắc, điều chỉnh nội dung của từng nguyên tắc cần được cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức thận trọng. Việc cụ thể hóa các nguyên tắc, nhất là bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc phải được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, làm rõ và tạo được sự đồng tình cao về căn cứ lý luận và thực tiễn. Có những vấn đề cần soi chiếu với các nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cộng sản để khẳng định chắc chắn cơ sở lý luận, đồng thời chú trọng việc bám sát, tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng. Qua tổng kết thực tiễn, những nội dung gì đã rõ, được thực tiễn khẳng định là đúng đắn, được đa số đồng tình thì đưa vào quy chế, quy định; những vấn đề gì thấy cần thiết sửa đổi, nhưng ý kiến còn khác nhau nhiều, thì tổ chức làm thí điểm, sau đó tiến hành tổng kết, kết luận; đối với những vấn đề quá mới, chưa rõ về căn cứ lý luận và thực tiễn, thì tổ chức tiếp tục nghiên cứu, chưa đưa vào quy chế, quy định. Quá trình sửa đổi Điều lệ Đảng, bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định cần được tổ chức thực hiện một cách hết sức dân chủ, khách quan, có sự đóng góp của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, cơ quan khoa học, kể cả cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng đã nghỉ hưu. Ngoài ra, cũng cần quan tâm nghiên cứu thực tế, kinh nghiệm của các đảng cộng sản cầm quyền để tham khảo chọn lọc những vấn đề thiết thực trong quá trình điều chỉnh những quy định liên quan đến nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng về các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Các nguyên tắc xây dựng Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, bảo đảm cho Đảng luôn đề ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn; đoàn kết, thống nhất cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, ý chí và hành động; luôn trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tuyệt đối tin tưởng.

Một mặt, các nguyên tắc xây dựng Đảng đòi hỏi sự tuân thủ của tổ chức đảng và toàn thể đảng viên, trong đó có không ít quy định phòng ngừa, ngăn chặn sự tự do tùy tiện của những nhóm, cá nhân đảng viên muốn lợi dụng danh nghĩa Đảng để mưu cầu lợi ích riêng; mặt khác, sự nhận thức đúng đắn và đầy đủ, sự thông suốt tư tưởng của cán bộ, đảng viên về các nguyên tắc luôn là tiền đề đối với việc thực hiện nghiêm túc và sáng tạo nguyên tắc. Vì vậy, công tác tư tưởng của Đảng phải thường xuyên làm cho tất cả cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của các nguyên tắc xây dựng Đảng, nội dung của từng nguyên tắc, mối quan hệ mật thiết giữa các nguyên tắc; xác định đúng trách nhiệm của tổ chức đảng, cá nhân trong thực hiện nghiêm các nguyên tắc; kịp thời phê phán nhận thức lệch lạc và đấu tranh, thi hành kỷ luật tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc.

Năm là, xử lý hợp lý mối quan hệ giữa thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong điều kiện Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, trong tất cả cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ đều có tổ chức đảng; đồng thời, hầu hết vị trí lãnh đạo chủ chốt của tổ chức, cơ quan đó do đảng viên đảm nhiệm. Trong sự nghiệp đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay thì việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng có ảnh hưởng lớn và sâu sắc đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức khác, nhất là các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Về nguyên tắc, Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác tổ chức, lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Tuy nhiên, ở đây có những đặc điểm tạo nên sự khác biệt cần được quan tâm để xử lý đúng. Chẳng hạn, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, cũng là nguyên tắc tổng quát trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, nhưng nhiều cơ quan nhà nước (bộ, cơ quan ngang bộ, kiểm toán nhà nước, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân...) lại hoạt động theo chế độ thủ trưởng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên, trong khi Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động. Cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải vừa bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đảng trong các cơ quan, tổ chức đó thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, vừa phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tuân thủ pháp luật, tôn trọng điều lệ và đặc điểm về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và từng tổ chức chính trị - xã hội.

Sáu là, kịp thời chấn chỉnh những nhận thức lệch lạc, xử lý những biểu hiện vi phạm nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, hòng phủ nhận, bác bỏ các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương chuyên đề về công tác xây dựng Đảng đều có nội dung phê phán những nhận thức lệch lạc và những biểu hiện vi phạm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Trong những năm gần đây, về nguyên tắc tập trung dân chủ, Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”(3). Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/102016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” phê phán khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”(4). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ ra 1 trong 5 nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua là: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”(5). Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là: “Không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”(6). Từ hạn chế, khuyết điểm đó, Đảng kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp để khắc phục và phòng ngừa, không để tái phạm, kể cả xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, tạo sự cảnh báo, răn đe.

Việc đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, bác bỏ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng được Đảng ta thường xuyên quan tâm. Trong những năm gần đây, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, việc phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch và phê phán nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, trong đó có các nguyên tắc xây dựng Đảng, được đẩy mạnh, trở thành phong trào rộng khắp, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả tích cực.

Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ tạo cho Đảng kỷ luật thống nhất, nghiêm minh, mà còn tạo cơ chế hữu hiệu nhất để phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, khai thác mọi trí tuệ của đảng viên, của cơ sở. (Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng). (Nguồn: Vietnamplus.vn)

 
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG TIẾP TỤC THỰC HIỆN KIÊN ĐỊNH CÁC NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẢNG
 
 Một là, thống nhất quan niệm về các nguyên tắc xây dựng Đảng.
 
 Cho đến trước Đại hội VII của Đảng, các văn kiện của Đảng dùng khái niệm “nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng”, vì ba nguyên tắc: tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất điều chỉnh các quan hệ nội bộ của Đảng. Từ Đại hội VII của Đảng, trong các văn kiện của Đảng dùng phổ biến cụm từ “các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”, vì đã bổ sung hai nguyên tắc: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật - các nguyên tắc điều chỉnh với nhân dân, với Nhà nước, dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Cách diễn đạt như vậy là chính xác cả về lý luận và thực tiễn. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo, cầm quyền, Đảng không chỉ xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, mà quan trọng là thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, cầm quyền đối với Nhà nước và xã hội. Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng cần có các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của Đảng, theo đó cần gọi đầy đủ là “nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”. Việc dùng thêm khái niệm “nguyên tắc xây dựng Đảng” như một cách gọi tắt của khái niệm “nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”, cần có sự giải thích để tạo sự thống nhất về nhận thức.
 
 Về nguyên tắc tập trung dân chủ, cần thống nhất chỉ là “nguyên tắc tập trung dân chủ”, không nên viết kèm cụm từ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Chỉ nên gọi “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là “chế độ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dùng: “Những người cán bộ phải thực hành cho kỳ đúng cái chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(7).
 
 Hai là, nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Đảng.
 
 Điều lệ Đảng hiện hành được Đại hội XI của Đảng (năm 2011) thông qua, các Đại hội XII và XIII của Đảng không sửa đổi Điều lệ Đảng. Thực tiễn xây dựng Đảng và hoạt động của Đảng trong hơn 10 năm qua đã đặt ra nhiều vấn đề mới cần được chế định trong Điều lệ Đảng. Trong những năm qua, trong các nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị các khóa đã có các quy định mới, được thực tiễn ghi nhận là cần thiết và đúng đắn, nhưng cần được điều chỉnh bằng văn bản cao nhất là Điều lệ Đảng. Chẳng hạn, liên quan đến nguyên tắc tập trung dân chủ, cần hoàn thiện cách diễn đạt về việc lập cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp để bao quát cả các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng ủy quân sự, chế độ báo cáo và chịu trách nhiệm của các đảng đoàn, ban cán sự đảng...; trong nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân cần bổ sung nội dung đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013: Đảng Cộng sản Việt Nam “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết đị#nh của mình”, cũng như quan điểm “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” - đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định.
 
 Ba là, giải quyết hợp lý việc phân cấp, ủy quyền với giữ vững sự thống nhất trong thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng.
 
 Đương nhiên, các nguyên tắc của Đảng có hiệu lực áp dụng chung trong toàn Đảng; trong khi đó, hệ thống tổ chức của Đảng có nhiều cấp, nhiều loại hình, nên phải thực hiện việc phân cấp, ủy quyền để phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của từng cấp phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Các nguyên tắc xây dựng Đảng cũng được vận dụng thích hợp với cấp ủy, tổ chức đảng từng cấp, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có sự phân cấp, ủy quyền nhất định. Tuy nhiên, khi phân cấp, ủy quyền sẽ có thể phát sinh hai khuynh hướng: Hoặc phân cấp, ủy quyền quá hẹp khiến cấp dưới luôn bị động, phụ thuộc cấp trên, phải xin ý kiến cấp trên, cấp trên thành ra bao biện...; hoặc phân cấp, ủy quyền quá rộng dẫn đến cấp dưới có thể lộng quyền, lạm quyền, cấp trên không kiểm soát được. Vì vậy, trong các quy chế, quy định thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng cần đặc biệt quan tâm xử lý thỏa đáng việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn, đồng thời vẫn giữ vững được sự thống nhất trong thực hiện các nguyên tắc của Đảng.
 
 Bốn là, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng.
 
 Quyền lực trong Đảng phải được kiểm soát để tránh cả khuynh hướng lạm quyền, lộng quyền và khuynh hướng không thực hiện đầy đủ quyền hạn được giao. Theo đó, việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng cũng phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát một cách chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả. Các quy định của Ban Chấp hành Trung ương từng nhiệm kỳ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng(8) đã có nhiều quy định, chế tài liên quan đến kiểm soát quyền lực trong Đảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết tổ chức đảng, cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác nhau trong thời gian qua đều do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; ở nhiều nơi, vẫn còn tình trạng thực hiện tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc, còn nể nang, né tránh, đoàn kết xuôi chiều; quan hệ của cấp ủy, cán bộ, đảng viên với nhân dân chưa thật chặt chẽ; một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng can thiệp không đúng thẩm quyền vào công việc của cơ quan nhà nước... Điều đó rõ ràng đòi hỏi tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm soát quyền lực trong Đảng nói chung, kiểm soát việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng nói riêng, trước hết là đối với các cơ quan lãnh đạo đảng và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng ở các cấp. Việc kiểm soát này cần được quy chế hóa thành các quy chế, quy định chặt chẽ, cụ thể, có chế tài xử lý vi phạm (nếu có) theo tinh thần “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, nhất là đối với những lĩnh vực, vấn đề dễ xảy ra sai phạm./.
 
 PGS. TS. TRẦN KHẮC VIỆT - PGS. TS. TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.109.

(2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.5.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2012, tr. 22-23.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.22.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.225.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.90.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.621.

(8) Như Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 1/6/2017 của Bộ Chính trị, về “Giám sát trong Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về "Kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/202, của Bộ Chính trị về "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”...

(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất