Hiện tượng đáng buồn
Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng
viên khi về hưu, về với cuộc sống đời thường vẫn luôn phát huy tính tiền
phong gương mẫu, kiên định lập trường tư tưởng song đây đó vẫn có một
số trường cá biệt “đương chức im tiếng, hoàng hôn nói nhiều” và có cả
phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực. Trong một bài viết gần đây, nhà
thơ Trần Đăng Khoa đã có những phân tích khá chí lý về hiện tượng cán bộ
lãnh đạo lúc đương chức thì rất ít có các phát biểu chất lượng nhưng
khi nghỉ hưu thì lại có nhiều phát ngôn đột phá. Thậm chí, có vị cựu bộ
trưởng lúc nghỉ hưu rồi mới tuyên chiến với tệ báo cáo sai sự thật trong
chính lĩnh vực mình quản lý.
Đó là hiện tượng đáng buồn về tinh thần phê và tự phê của người đảng
viên cộng sản nhưng lời nói thẳng thì dù muộn còn hơn không. Cái đáng
phê phán hơn phải kể đến việc tiền hậu bất nhất, nhiều người khi nghỉ
hưu thì tư tưởng trở nên lệch lạc, nói và viết sai với đường lối, quan
điểm của Đảng.
Cách đây ít lâu, dư luận từng bức xúc về việc một cán bộ nguyên là Chủ
tịch UBND tỉnh Gia Lai khi còn đương chức được Ủy ban Kiểm tra Trung
ương kết luận “sai phạm nghiêm trọng” trong chỉ đạo quản lý đất đai, bổ
nhiệm người thân không đủ điều kiện... Thế nhưng, trả lời báo chí về
những sai phạm của mình, vị cán bộ này đã phát ngôn: “Tôi nghỉ hưu hai
năm rồi, họ muốn xử thế nào thì xử!”. Câu nói trên thể hiện thái độ
thiếu trách nhiệm, bỡn cợt, coi thường kỷ luật của Đảng khi tự cho rằng,
đã về hưu thì chẳng cần gì phải giữ thể diện!
Nghiêm trọng hơn nữa là hiện tượng cán bộ nghỉ hưu nói và làm trái với
đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Dư luận từng bức xúc trước việc
một cựu bộ trưởng khi nghỉ hưu đã có phát ngôn hoài nghi về con đường
đi lên CNXH hay có đảng viên nguyên là đại biểu Quốc hội khi nghỉ hưu
thường xuyên trả lời đài báo hải ngoại nói những điều như “rải thêm lông
ngỗng”. Lại có một số cán bộ nghỉ hưu do những bức xúc, mâu thuẫn cá
nhân dẫn đến viết hồi ký hoặc có những phát ngôn khác thường, sai sự
thật, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc. Một số người từ
chuyện bức xúc cá nhân đưa ra những tuyên bố như xin ra khỏi Đảng, nói
xấu Đảng, Nhà nước. Một số trường hợp tuy không phải là phản động, “trở
cờ” nhưng do thiếu thông tin, suy nghĩ đơn giản hoặc bị lôi kéo, kích
động nên đã tham gia tụ tập, biểu tình, hội họp hoặc ký vào các đơn, thư
kiến nghị, thỉnh nguyện tập thể có nội dung sai trái, phản động.
Nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn là những trường hợp công khai chống phá
Đảng, Nhà nước. Có thể kể ra nhiều trường hợp thường xuyên trả lời báo
chí hải ngoại, công khai có những bài viết, phát ngôn, hành động chống
phá như những cựu cán bộ, đảng viên nghỉ hưu hoặc nghỉ việc nay tham gia
các nhóm xã hội dân sự, những cái gọi là Văn đoàn Độc lập, Hội Nhà báo
Độc lập Việt Nam… Một số người từ việc thiếu bản lĩnh chính trị, khi
được các trang mạng tung hô, tán dương lại tỏ ra thỏa mãn, hợm hĩnh dưới
những mỹ danh “yêu nước”, “dân chủ, đổi mới” mà không biết mình đang bị
lợi dụng và trở thành con rối trong tay bọn cơ hội, phản động. Đã có
những trường hợp cán bộ khi đương chức là những người kiên trung, kiên
định với đường lối, quan điểm của Đảng nhưng khi nghỉ hưu lại trở thành
đối tượng bị các thế lực xấu lợi dụng như những “ngọn cờ” dân chủ.
Có một số cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu vì thiếu thông tin nhưng
tham gia mạng xã hội lại hay “luận bàn thế sự”, lại do xa rời tổ chức,
không còn sự quản lý của tổ chức nên thường có những phát ngôn, bình
luận thiếu ý thức chính trị, thậm chí dễ bị kích động. Trước những hiện
tượng tiêu cực trong xã hội, họ dễ bị nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản
chất, thường bình luận chủ quan hoặc chia sẻ những thông tin sai lệch,
không được kiểm chứng từ những nguồn thiếu tin cậy. Có một số người đã
từng trung thành với lý tưởng của Đảng, cống hiến cho cách mạng nhưng
rồi “quá mù ra mưa”, từ mâu thuẫn, bất đồng quan điểm họ trở thành “tự
diễn biến, tự chuyển hóa”, trượt dài trên con đường phản bội.
Đừng để bị lợi dụng và bị “chuyển hóa”
Nói về hiện tượng này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã
chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị có biểu
hiện thứ 6: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều
làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài
hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về
nghỉ hưu”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cảnh báo: “Đã xuất hiện
những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường
lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”. Quy định số 47-QĐ/TW ngày
1-11-2011 về những điều đảng viên không được làm nêu rõ yêu cầu đảng
viên không được “nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính
trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận
của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”.
Chúng ta đã có không ít những bài học đau xót về một vài cán bộ từng là
những chiến sĩ kiên trung, có nhiều công lao to lớn nhưng khi nghỉ hưu
bị “chuyển hóa”, “đổi màu”, “trở cờ”, “lội dòng nước ngược” so với con
đường cách mạng của Đảng, của nhân dân. Hiện tượng này từng được Chủ
tịch Hồ Chí Minh cảnh báo ngay từ những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam
Dân chủ cộng hòa non trẻ. Bác đã từng chỉ rõ một tình trạng không lành
mạnh trong Đảng ta: “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh
đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù
muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp
dưới cách biệt nhau... Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có
gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến,
nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại
bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh
ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau
lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm
thà thậm thụt” và những thói xấu khác”.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cán bộ, đảng viên nói và làm không nhất
quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu có cả lý do khách quan và
chủ quan. Khách quan ở chỗ việc thực hành dân chủ, phát huy tinh thần
phê và tự phê bình ở các cơ quan, đơn vị chưa tốt, còn biểu hiện hình
thức nên dẫn tới một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo có
tư tưởng thực dụng, mũ ni che tai, không dám nói thẳng, nói thật; không
thể hiện bản lĩnh chính trị và dũng khí của người cộng sản chân chính.
Nhưng cái chính vẫn bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan, đó là sự rèn
luyện, tu dưỡng bản lĩnh chính trị, hình thành phẩm chất trung thực,
thẳng thắn cần thiết, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
Bài học đau xót từ sự sụp đổ của Liên Xô đã cho thấy, một bộ phận không
nhỏ những người đảng viên cộng sản nghỉ hưu thoái hóa biến chất lại
chính là những kẻ tự đào mồ chôn chế độ đã sinh ra họ và họ thản nhiên
làm giàu trong “tang lễ của chính chế độ mình”. Năm 1991, trong số hàng
vạn triệu phú ở Nga, có một bộ phận rất lớn nguyên là những cán bộ làm
việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền sau đó đã trả lời trong một
cuộc điều tra xã hội học cho rằng, nên đi theo con đường tư bản.
Giữ gìn những điều thiêng liêng, cao quý nhất
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt đề cao dân chủ, phát huy tinh
thần phê và tự phê trong Đảng nhưng một mặt cũng cảnh báo việc đảng viên
không chấp hành kỷ luật, xem thường kỷ luật, không thực hành dân chủ
trong Đảng: "Không nghiên cứu nghiêm chỉnh và chấp hành đúng đắn đường
lối, chính sách của Đảng, không tôn trọng pháp luật và thể lệ của Nhà
nước. Tự cho mình là đúng, hành động theo ý riêng, phát biểu theo ý
riêng, không báo cáo và xin chỉ thị của cấp trên, xem thường tổ chức và
kỷ luật". Hiện nay, những biểu hiện nói và làm không nhất quán giữa khi
đương chức với lúc về nghỉ hưu chỉ là hiện tượng cá biệt trong một bộ
phận cán bộ, đảng viên nhưng nó đã và đang có những tác động hết sức
nguy hiểm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Cán bộ nghỉ hưu là một bộ phận quan trọng của xã hội, tuy đã “hưu”
nhưng “trí” còn sáng, “tâm” còn đầy nhiệt huyết đối với cộng đồng, tiếng
nói của họ có uy tín trong xã hội bởi kiến thức, vị thế xã hội, kinh
nghiệm và uy tín tích lũy sau nhiều năm công tác. Lúc nghỉ hưu cũng là
dịp mỗi cán bộ có điều kiện, thời gian chiêm nghiệm, đúc kết và bày tỏ
những kinh nghiệm, trăn trở, tâm huyết đối với Đảng, Nhà nước, với xã
hội và cộng đồng. Thiết nghĩ đó là điều rất đáng trân trọng.
Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế với không ít người là khi nghỉ hưu
thì với sức ép thời gian, tuổi tác, sự minh mẫn giảm đi nhiều, thông
tin, sự tiếp xúc, va đập với xã hội cũng bị hạn chế. Thế nên, chỉ với
trái tim nóng mà thiếu đi cái đầu tỉnh táo, có thể rất dễ người nghỉ hưu
bị tụt hậu bởi kinh nghiệm không bằng tư duy, kiến thức không theo kịp
những kỹ năng của thời đại 4.0. Xa hơn nữa, họ còn có thể rất dễ bị lợi
dụng, đánh mất vị trí cây cao bóng cả để từ những suy nghĩ tiền hậu bất
nhất có thể phản bội cả một lý tưởng, đi chệch cả một con đường mà chính
họ từng dành cả cuộc đời cống hiến, hy sinh. Khi đó, những người đã tự
đánh mất mình nghĩa là mất tất cả.
Xét cho cùng, với mỗi người vẫn là câu chuyện quay trở về với niềm tin,
lý tưởng, nhân sinh quan, lẽ sống. Đó là bản lĩnh chính trị, là lời thề
trước Đảng, là sự trung thành, kiên định với con đường mình đã chọn.
Nói thì có vẻ như những gì cao siêu, đao to búa lớn nhưng xét cho cùng
với mỗi người, danh dự, niềm tin vẫn là những gì thiêng liêng, cao quý
nhất trong cuộc đời!
Theo QĐND