Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 11/8/2012 0:18'(GMT+7)

Kiên Giang: Nhiều giải pháp đồng bộ đầu tư cho “tam nông”

Cần cấp thiết cho cải tiến và phát triển tam nông trong nước hiện nay.

Cần cấp thiết cho cải tiến và phát triển tam nông trong nước hiện nay.

* Sức bật từ đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội

Trong 3 năm (2009 - 2011), Kiên Giang tập trung nguồn vốn hơn 50.897 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Theo đó, hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất lúa 2 vụ, với tổng diện tích gieo sạ khoảng 580.500 ha và đang triển khai xây dựng đồng bộ phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở vùng nuôi tôm công nghiệp Kiên Lương - Giang Thành; vùng tôm - lúa Vàm Răng - Ba Hòn, An Biên - An Minh; xây dựng đê biển, cơ sở hạ tầng dịch vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển, đảo…

Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2011 chiếm 42% tổng giá trị sản xuất và chiếm 46,7% GDP toàn tỉnh, góp phần tích cực vào tăng trưởng GDP hàng năm của tỉnh trên 12%. Xuất khẩu hàng hóa nông - thủy sản tăng gần 3 lần so với năm 2005, đạt gần 600 triệu USD, chiếm 95,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Sản lượng lúa cao nhất nước, hơn 3,9 triệu tấn và năm 2012 này khả năng đạt trên 4,1 triệu tấn.

Trình độ sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên từ khâu chọn giống lúa chất lượng cao gieo sạ đến việc thực hiện cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất lúa. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản 507.400 tấn và năm 2012 ước đạt trên 572.000 tấn. Tỉnh đã xây dựng, phát triển mô hình tổ, đội sản xuất hỗ trợ nhau trong khai thác, phòng tránh thiên tai, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; mô hình đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế trên biển.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đầu tư xây dựng giao thông nông thôn và hiện có 95/103 xã trong đất liền có đường ô tô đến trung tâm xã. Hệ thống đường nội xã, liên ấp đã hoàn thành bê tông hóa 2.300/7.000 km. Kiên Giang hoàn thành chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1, gồm: 73 cụm, 4 đê bao và 7.873 căn nhà, với tổng vốn đầu tư trên 371 tỷ đồng, bố trí hơn 7.000 hộ dân “an cư lạc nghiệp”. Tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống các trạm cấp nước, trang bị dụng cụ chứa nước ở những nơi khó khăn về nguồn nước. Hệ thống các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản được xây dựng, với năng lực xay xát gạo 2 triệu tấn/năm, chế biến thủy sản 160.000 tấn/năm. Tỉnh xây dựng 12 trung tâm thương mại ở huyện, nâng cấp và sửa chữa đưa vào sử dụng 77 chợ nông thôn; đầu tư đường dây trung, hạ thế giải quyết điện sinh hoạt, sản xuất cho các vùng sâu, vùng xa và các trạm phát điện độc lập trên đảo, nâng số xã có điện lên 100%, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 95,6% hiện nay.

Trên lĩnh vực giáo dục, 100% số xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 100% huyện có trường trung học phổ thông và 79% số xã có trường mầm non. Lĩnh vực y tế có 98,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế hoặc phòng khám khu vực phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân.

Tỉnh tập trung các nguồn lực nâng cao thu nhập, đời sống người dân, nhất là chú trọng đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt như: đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế và trợ cấp cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn… Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 30,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 7,2%.

* Tiếp tục đầu tư mạnh cho nông nghiệp - nông thôn

Kế hoạch từ nay đến năm 2015 và hướng đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân. Mục tiêu đến năm 2015, cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản chiếm 30% cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, sản lượng lương thực đạt 4,3 triệu tấn; thủy sản 684.000 tấn; 100% xã trong đất liền có đường ô tô về đến trung tâm; 35 xã và huyện Tân Hiệp đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5 - 1,8…

Kiên Giang đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông và nguồn điện 3 pha phục vụ vùng trọng điểm lúa, nuôi tôm công nghiệp; nâng cao năng lực sản xuất cung ứng giống của các trung tâm, trạm trại; đầu tư đồng bộ hệ thống cảng, khu neo đậu tàu thuyền và các cơ sở chế biến, dịch vụ nghề cá; nâng cấp, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đạt 60% bê tông hoặc nhựa hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

Kiên Giang phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, đa dạng trên cơ sở phát huy các tiềm năng lợi thế như: áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động, nguồn vốn. Tỉnh giữ vững ổn định diện tích đất lúa 2 vụ và triển khai thực hiện 100.000 ha lúa chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu, hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng đa dạng, tập trung nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi thủy sản ven biển, ven đảo; khai thác đánh bắt thủy sản theo hướng vươn ra xa bờ.

Tỉnh tập trung huy động tối đa nguồn lực của địa phương, vốn hỗ trợ của trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút vốn trong và ngoài nước. Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế nông - lâm - thủy sản của tỉnh.Nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn được taapjt rung đào tạo, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43%; bố trí đủ cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn từ tỉnh đến xã./.

Lê Huy Hải - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất