Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 10/8/2012 9:38'(GMT+7)

Nghị lực của chàng giám đốc "da cam"

Nguyễn Xuân Tú là con thứ hai trong gia đình nghèo có 4 chị em. Lúc mới sinh ra, anh cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi bạn bè cùng lứa đã biết chạy nhảy thì anh vẫn chỉ nằm một chỗ. Sốt ruột, bố mẹ đưa anh đi khám, qua kiểm tra các bác sỹ xác định anh bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, tay và chân của anh bị khèo nên không thể đi lại bình thường được. Ngồi một chỗ nhìn bạn bè chạy nhảy, nô đùa mà thèm, Tú đã bảo bố mẹ, anh chị đỡ dậy tập đi, dần dần Xuân Tú cũng tự đi được một mình bằng nạng, khi ấy anh cũng đã lên tám, lên chín và mãi cho đến năm 12 tuổi anh mới có "ngày đầu tiên đi học". Những tháng ngày đến trường thật nhọc nhằn, khi thì luôn phải có cha mẹ hoặc bạn bè chở đến trường nhưng Tú không nản chí và cố học thật giỏi. Học đến bậc THPT vì gia đình lúc ấy quá khó khăn, bố mẹ chỉ làm công nhân lại phải nuôi 4 con trong đó có hai đứa bị ảnh hưởng của chất độc da cam nên Tú đành bỏ học.

Xuân Tú ở nhà, giúp đỡ bố mẹ việc gia đình nhưng ấp ủ mong muốn có một nghề để không trở thành gánh nặng. Anh đã quyết định học sửa chữa xe máy nhưng chỉ được gần 5 tháng vừa học vừa làm thấy nghề này cũng nặng nhọc không phù hợp nên Tú chuyển sang gia công bao bì nhưng thu nhập quá thấp nên lại bỏ. Cứ loanh quanh mất mấy năm, với chút khiếu hội họa và khéo tay, Tú quyết định xin gia đình cho đi học thiết kế đồ hoạ tại Hà Nội. Sau hơn một năm học hành chăm chỉ, với tấm bằng trong tay Tú đi làm thuê cho một số công ty in để tích lũy kinh nghiệm và nung nấu ước mơ có một cơ sở làm quảng cáo, in cho riêng mình. Năm 2008, cùng với niềm hạnh phúc được nên duyên vợ chồng với cô gái mồ côi Trần Lệ Thu đẹp người, đẹp nết cơ hội biến ước mơ thành hiện thực đã đến với anh khi ông giám đốc Trung tâm quảng cáo, in Hoàng Hạnh (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) quyết định bán Trung tâm để đi nước ngoài. Vợ chồng anh đã xoay sở, vay mượn khắp nơi được hơn 400 triệu đồng để mua lại và đổi thành tên của anh.

Những ngày đầu, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là các anh em thợ không chịu nghe sự chỉ đạo của chủ mới - người trước cũng là thợ cùng làm với họ, rồi thì khách hàng nghi ngại một người khuyết tật như anh có làm được việc hay không...Nhưng được sự giúp đỡ của các cấp, ngành đặc biệt là Hội Nạn nhân chất độc da cam cùng với sự cố gắng, quyết tâm của bản thân, anh đã vượt qua tất cả. Mới đầu các sở, ban ngành cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về in, quảng cáo đến với Trung tâm vì sự cảm thông, chia sẻ nhưng Trung tâm đều làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng. Tiếng lành đồn xa, Trung tâm ngày càng đông khách nên việc phải thức thâu đêm để hoàn thành sản phẩm cho khách hàng là chuyện thường tình của cả chủ lẫn thợ. Từ khi mua lại Trung tâm đến nay, vợ chống anh Tú đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị hiện đại nhất để những sản phẩm làm ra có chất lượng tốt nhất phục vụ khách hàng. Hiện nay, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm Trung tâm còn nộp thuế cho Nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Với những nỗ lực không ngừng để vượt lên chính mình, Nguyễn Xuân Tú đã được nhận nhiều giấy khen của các cấp Hội, đặc biệt năm nay Nguyễn Xuân Tú vinh dự là một trong hai nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu có tên trong danh sách Hội nạn nhân da cam Hà Nam gửi về Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam lựa chọn tham gia triển lãn ảnh "51 gương nạn nhân tiêu biểu" và "Chung tay xoa dịu nỗi đau Da cam" do Trung ương Hội phối hợp với báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Anh Tú cho biết: mọi phần thưởng đều đáng trân trọng và tự hào nhưng với anh món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho anh đó chính là người vợ hiền cùng cô con gái gần 3 tuổi xinh xắn. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để anh tiếp tục cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống./.

Nguyễn Chinh (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất