Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) ngày 29-7-2010 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới về “Tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Các cấp ủy đã nâng lên về nhận thức, tích cực quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân; số lượng tổ chức đảng, các đoàn thể và đảng viên, đoàn viên, hội viên hàng năm đều tăng. Các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ; thể hiện được vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc lãnh đạo, tuyên truyền người lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chủ sở hữu của một số doanh nghiệp có nâng lên nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo của địa phương.
Qua sắp xếp doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoạt động ổn định, có hiệu quả hơn, nhất là công ty cổ phần ngày càng có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu của các ngành nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ,... đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 3.686 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng nguồn vốn đăng ký là 12.490,65 tỷ đồng, với 39.758 lao động. Ngoài ra còn thu hút được nhiều lao động không thường xuyên làm việc theo nhu cầu công việc và thời vụ. Kết quả kinh doanh năm 2013 có 2.685 doanh nghiệp có lãi, hòa vốn và 1.001 doanh nghiệp thua lỗ.
Các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đến nay, đã phát triển được 52 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp (có 49 chi, đảng bộ cơ sở), tăng 46 so với năm 2011 (trong đó 01 tổ chức đảng trong doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài), với tổng số 2.010 đảng viên, tăng 1.921 đảng viên so năm 2011. Qua phân tích chất lượng năm 2013, có 43 tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh (trong đó có 08 tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu), 09 tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tổ chức đảng yếu kém. Công tác quy hoạch, tạo nguồn, kết nạp đảng viên được tập trung chỉ đạo, đảm bảo về số lượng và nâng lên về chất lượng.
Công tác củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn; việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp được thường xuyên quan tâm. Đến nay, đã thành lập được 82 tổ chức công đoàn cơ sở với 10.268 công đoàn viên; 42 tổ chức đoàn thanh niên với 2.371 đoàn viên; 12 tổ chức hội liên hiệp thanh niên với 411 hội viên và 04 tổ chức hội phụ nữ với 349 hội viên.
Cấp ủy, chi bộ trong doanh nghiệp đã nhận thức và thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ theo các quy định. Xây dựng và thực hiện có nề nếp chế độ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, chế độ giao ban giữa bí thư cấp ủy với giám đốc và các đoàn thể nhân dân. Nội dung và hình thức sinh hoạt từng bước được nâng lên, nhất là từ khi có Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch số 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, nhiều tổ chức đảng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng doanh nghiệp, phương thức lãnh đạo thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt và thiết thực;... Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện khá tốt, tạo sự chuyển biến tích cực, đảm bảo được tính nghiêm minh, tự giác, thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, kịp thời và có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa sai phạm đối với đảng viên.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) ngày 29-7-2010 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ và nhiều giải pháp quan trọng, trong đó: “...Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển các tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị. Tích cực tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tác dụng của việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Giáo dục, động viên người lao động phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật và nội dung, quy chế của doanh nghiệp, tích cực tham gia xây dựng đảng, các đoàn thể và phấn đấu để trở thành đảng viên, đoàn viên, hội viên...”.
Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức đảng đảm bảo đồng bộ, thống nhất theo hướng gắn xây dựng tổ chức đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo trong doanh nghiệp. Để xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, cần căn cứ tình hình cụ thể về quy mô, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp; nhiệm vụ chính trị, địa bàn đặt trụ sở của doanh nghiệp để quyết định mô hình tổ chức đảng cho phù hợp và thực hiện theo hướng:
Đối với các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đảng viên đông, hoạt động theo hệ thống dọc, mô hình công ty mẹ, công ty con hiện đang trực thuộc các đảng bộ khác nhau thì chuyển giao về Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thống nhất quản lý.
Doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, ổn định (vốn dưới 20 tỷ đồng, lao động dưới 20 người), chưa có tổ chức đảng hoặc chưa có đảng viên thì giao cho cấp ủy xã, phường, thị trấn thực hiện công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh vừa, ổn định (vốn từ 20 đến dưới 50 tỷ đồng, lao động dưới 50 người), chưa có tổ chức đảng hoặc chưa có đảng viên thì giao cho các huyện, thị, thành ủy có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh lớn hơn, ổn định (vốn từ 50 tỷ đồng trở lên và trên 50 lao động), chưa có tổ chức đảng viên hoặc chưa có đảng viên thì giao cho Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước mới thành lập được sắp xếp theo hướng: Thành lập chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn đối với doanh nghiệp nhỏ, có ít đảng viên; thành lập chi bộ cơ sở hoặc đảng bộ cơ sở trực thuộc huyện, thành, thị ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đối với các doanh nghiệp vừa, có đông đảng viên. Các cấp ủy, đoàn thể cấp trên rà soát lại các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội để tổ chức lại cho đồng bộ, phù hợp với mô hình tổ chức đảng.
Đối với doanh nghiệp chưa có các đoàn thể, Ban Chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ cấp trên có trách nhiệm trực tiếp gặp gỡ chủ doanh nghiệp tuyên truyền, vận động, thuyết phục về chủ trương thành lập tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; qua đó có kế hoạch chỉ đạo việc chuẩn bị để thành lập các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động./.
Quốc Tuấn