Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng: kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 chưa đủ để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tư tưởng, đạo đức, lối sống.
* Bài 1: Cần những quyết sách mới
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, 15 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội nước ta biến chuyển không ngừng, xuất hiện nhiều vấn đề, xu hướng mới khiến việc quản lý văn hóa chưa theo kịp với sự phát triển, chưa thực sự trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển. Đã đến lúc văn hóa Việt Nam cần có những quyết sách mới trên cơ sở phát huy phát huy các thành tựu trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII. Đồng thời cần có những quan điểm, tư tưởng mới nhằm khắc phục các hạn chế, yếu kém để văn hóa luôn song hành với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
* Những kết quả quan trọng
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được lan tỏa rộng sâu rộng trong đời sống xã hội. Nguồn lực văn hoá, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện. Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng và phát huy sức mạnh. Quan trọng hơn cả là cán bộ, đảng viên, nhân dân coi trọng hơn các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống. Người dân có cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Môi trường văn hóa được cải thiện và một số mặt có tiến bộ, gia đình văn hóa được chú trọng, văn hóa trong các doanh nghiệp được quan tâm, xã hội quan tâm hơn đến việc gìn giữ bản sắc dân tộc, từng bước tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã khai thác tốt hơn các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Vai trò của chủ thể văn hóa của cộng đồng từng bước được phục hồi... Cũng trong 15 năm qua, hàng loạt di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Như vậy là văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đã được cả thế giới biết đến và tôn vinh, tạo động lực quan trọng để Việt Nam tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các giá trị văn hóa này cũng giúp Việt Nam mở rộng giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người đến với bạn bè quốc tế một cách hiệu quả hơn. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành cái tên thân thiện, điểm đến hấp dẫn, an toàn ngày càng được du khách thế giới lựa chọn...
* Trăn trở với những hạn chế, bất cập
Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, thẳng thăn nhìn nhận sẽ thấy những kết quả về phát triển của văn hóa chưa thể làm yên lòng và còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng: kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 chưa đủ để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Đời sống kinh tế có bước phát triển song đời sống tinh thần chưa theo kịp, thậm chí có một số mặt suy giảm. Điều đáng nói là tình trạng suy thoái đạo đức trong xã hội có chiều hướng lan rộng với tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cùng tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của các bộ có chức quyền đã gây tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ giá trị truyền thống không còn được coi trọng và phát huy như trước, có nhiều mặt bị đảo lộn. Các giá trị mới chưa hình thành hoặc phát triển nhưng chưa bền vững dẫn tới sự mất định hướng về nhân cách. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền có xu hướng gia tăng, chi phối mạnh đời sống xã hội, gây hậu quả xấu đối với việc xây dựng con người…
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 cho thấy: Đời sống văn hóa tinh thần ở một bộ phận và nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, lạc hậu. Thêm vào đó khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và khoảng cách giữa các tầng lớp nhân dân còn lớn. Môi trường văn hóa bị xâm hại, thiếu lành mạnh, tiếp thu nhiều giá trị, lối sống từ bên ngoài còn thiếu chọn lọc, lai căng, trái thuần phong mỹ tục.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở không ít nơi còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Thành tựu sáng tạo văn học nghệ thuật chưa nổi bật, còn ít các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Vẫn còn không ít sản phẩm văn học nghệ thuật chất lượng kém được phát hành, truyền bá trong xã hội. Cũng có không ít các sản phẩm độc hại từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta, gây ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục. Việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa ở nhiều nơi hiệu quả chưa cao, có nơi còn duy trì, phục hồi cả hủ tục, mê tín dị đoan; trùng tu, tôn tạo di tích còn sai phạm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng, thậm chí dàn trải, gián đoạn nên hiệu quả thực hiện còn thấp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhận định rằng: Công tác quản lý văn hóa ở các cấp còn nhiều yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, xử lý chậm và thiếu kiên quyết với sai phạm. Quan trọng hơn cả là toàn ngành chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh như: công nghiệp văn hóa, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn hóa mạng, văn hóa cho giới trẻ để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả…
Phát biểu với ngành văn hóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng: Những yếu kém và sa sút nêu trên không chỉ làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế xã hội, mà còn có thể làm chệch hướng phát triển, làm xấu hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt nam. Đó không chỉ là một nguy cơ lớn, mà còn có thể là nguy cơ của mọi nguy cơ, đặc biệt khi Việt Nam mở rộng hội nhập với thế giới.
* Cốt lõi vẫn là xây dựng nhân cách con người
Đường lối phát triển văn hóa Việt Nam do Đảng xác định từ năm 1943 đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) luôn đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội; sự hình thành, phát triển nhân cách trí tuệ con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Sau 15 năm thực hiện, dù bối cảnh quốc tế và đất nước có nhiều biến đổi nhưng các quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, việc bổ sung, phát triển nội dung của một số quan điểm đó là cần thiết, phù hợp quy luật phát triển, định hướng xây dựng, phát triển văn hóa đến năm 2020, nhất là vấn đề con người. Trong đó, tư tưởng, đạo đức, lối sống cần đặt lên hàng đầu, lấy việc xây dựng nhân cách con người làm trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa. Do vậy, cần có những biện pháp quyết liệt, liên tục, chặn đứng những suy thoái, đấu tranh chống mọi tiêu cực xã hội làm tha hóa con người chính là tạo tiền đề và điều kiện vững chắc cho phát triển văn hóa.
Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc là việc không phải của riêng ngành văn hóa mà cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Khắc phục những yếu kém về văn hóa cần bắt đầu từ văn hóa, nhưng không chỉ bằng văn hóa. Các hoạt động kinh tế và chính trị, các mối quan hệ xã hội trên lĩnh vực kinh tế và chính trị thường xuyên tác động tới tâm tư, tình cảm của mỗi con người. Do đó, việc bổ sung, phát triển một số điểm trong Nghị quyết Trung ương 5 để phù hợp với thực tiễn xã hội cần làm rõ mục tiêu, động lực của văn hóa không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển toàn diện con người.
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống con người, nhiệm vụ mới được nêu ra là xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa trong kinh tế, xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hiện đại đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời với bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa dân tộc…/.
TTX