(TCTG) - Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 26, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), chương trình hành động số 39 của Tỉnh ủy “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới,…
Tiếp thu Nghị quyết 26, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động 39; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch 39 để thực hiện. Các huyện, thị, thành ủy đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đảng bộ xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện; đã có 28.204 đảng viên tham gia học tập, đạt 96% đảng viên của toàn đảng bộ tỉnh. Mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức học tập cho 744.569 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai ra dân, có 928.200 lượt người tham dự, đạt 54,6% dân số của tỉnh. Qua tiếp thu quán triệt, cán bộ đảng viên và nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện và tạo được nhiều chuyển biến tích cực.
Năm 2011, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản chiếm 42% tổng giá trị sản xuất và chiếm 46,7% GDP toàn tỉnh (năm 2008 là 42,9% và 47,4%). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng nông nghiệp từ 66,5% giảm còn 64,6%; tỷ trọng thủy sản từ 32,8% tăng lên 35%. Sản lượng lúa đạt 3,921 triệu tấn, tăng 530 ngàn tấn; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 507.400 tấn, tăng 79.000 tấn, trong đó tôm nuôi đạt 39.664 tấn, tăng 11.063 tấn so với năm 2008. Kinh tế nông thôn từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, bình quân hằng năm, lao động khu vực nông-lâm-thủy sản giảm 1,6%, lao động khu vực công nghiệp tăng 9,1%, khu vực dịch vụ tăng 16,7%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người 30,377 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với 2008; hộ nghèo còn 7,23%. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện khá tốt; đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. So với các mục tiêu của nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy đề ra đến năm 2010, có 3 chỉ tiêu vượt: tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6% (chỉ tiêu 9,5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 1.086 USD (chỉ tiêu 1.002 USD) và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,1% theo tiêu chí cũ (chỉ tiêu dưới 6%).
Tuy nhiên, việc triển khai, quán triệt nghị quyết ở một số địa phương còn chậm, công tác xây dựng kế hoạch cụ thể hóa còn lúng túng, nhất là việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm, tổ chức sản xuất chưa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao, chưa có thương hiệu trên thị trường, luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả biến động... Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là về giao thông, thủy lợi; tiềm năng đất đai và lao động chưa được khai thác có hiệu quả, do ứng dụng, khoa học-công nghệ mới vào sản xuất chưa nhiều, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 27%, lao động chưa có việc làm ổn định chiếm 25%. Thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn chỉ bằng 70% mức trung bình của tỉnh; chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị khá cao (7,42 lần).
Để thực hiện có hiệu quả vấn đề “Tam nông” trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy các cấp đảng, chính quyền các cấp, tập trung thực hiện tốt một số việc sau: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), Chương trình hành động 39, ngày 14-10-2008 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010-2015. Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững, hình thành vùng sản xuất lúa chuyên canh theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", có năng suất, chất lượng cao, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Tập trung huy động nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, vốn nhân dân, kết hợp với nguồn vốn tài trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Ưu tiên đầu tư các công trình có trọng tâm, trọng điểm vừa phục vụ thiết thực cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, vừa đảm bảo theo tiêu chí xã nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các khu-cụm công nghiệp để nâng cao năng lực chế biến nguồn nguyên liệu nông-thủy sản và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động nông thôn... Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43%, gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Chú trọng dạy nghề phi nông nghiệp cho thanh niên để chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội nông nghiệp, nông thôn, khai thác có hiệu quả và bền vững tiềm năng lợi thế về nông-thủy sản, nâng cao đời sống dân cư nông thôn. Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của Nhà nước, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, dự án, kế hoạch được phê duyệt. Phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị trong các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và các phong trào cách mạng ở địa phương cơ sở./.
Quốc Tuấn