Làm việc với đoàn có các đồng chí: Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang; Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Lưu Trung - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Cẩn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang cho biết: tỉnh đã triển khai thực nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được sự quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ, sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của xây dựng, phát triển văn hóa, con người được nâng lên, từ đó từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Các cấp, các ngành có nhiều cố gắng cụ thể hóa, thực hiện ở cấp mình phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật được tăng cường và nâng lên chất lượng. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Các hoạt động giao lưu, hợp tác, liên kết được mở rộng; thường xuyên tổ chức và tham gia các hội thi, hội diễn để kiểm tra, đánh giá chất lượng phong trào và phát hiện nhân tố mới. Nhiều tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật đã đạt nhiều thành tích và được phổ biến rộng rãi đến công chúng, cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Đến nay, có 56 di tích được xếp hạng (01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh). Năm 2022 nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh phê duyệt nhiều Đề án, như: Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2030; mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Phan Thị Ràng (Hòn Đất) và Lễ hội Nghinh Ông tại xã Lại Sơn (Kiên Hải);... xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội, Đình thần Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; mở rộng quy mô tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp;... Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều lễ hội, như Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Chi bộ Ranh Hạt (Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang); Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ trên địa bàn thành phố Phú Quốc,…
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 385.250/420.003 gia đình văn hóa, chiếm 91,73% (tăng 292.409 GĐVH so năm 2000); có 877/950 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 91/116 xã đạt chuẩn văn hóa; 11/28 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 1.603/1.658 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 90/116 xã, 04 huyện nông thôn mới (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận), thành phố Hà Tiên hoàn thành xây dựng nông thôn mới, từ đó diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể.
|
Đồng chí Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương như: Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Vụ Tổng hợp, Vụ Tuyên truyền, Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh... ghi nhận việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Tỉnh Kiên Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong tỉnh ngày càng tiến bộ về chất lượng nghệ thuật, năng lực tổ chức, góp phần cho sự phát triển văn hóa – kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những vấn đề còn hạn chế của tỉnh như: Nhiều trung tâm văn hóa thể thao xã ít hoạt động, thiếu đầu tư phương tiện, trang thiết bị. Công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, lễ hội và tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế. Còn bất cập về kết cấu hạ tầng và sự phát triển giữa các vùng du lịch trọng điểm chưa được đầu tư đồng bộ.
Tại hội nghị, tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư trùng tu, bảo tồn, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao lớn ở trung tâm tỉnh và vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển thông tin, tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để có lộ trình đầu tư thỏa đáng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân ở nông thôn hiện nay; tăng cường các biện pháp quản lý có hiệu quả lĩnh vực truyền thông, mạng xã hội, hoạt động sáng tác, in ấn, xuất bản... gắn với phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm.
|
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị
|
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá cao những ý kiến trao đổi đầy tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí chúc mừng cho những kết quả mà tỉnh Kiên Giang đã đạt được trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã huy động được chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia vào công tác văn hóa văn nghệ góp phần nâng cao đời sống của tín đồ, đồng bào các dân tộc, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị, trong thời gian tới, Kiên Giang cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn các chương hành động của Đảng bộ tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiếp tục phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đề cao xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở...; đầu tư tập trung có trọng điểm cho văn học, nghệ thuật tinh hoa, chuyên nghiệp tạo ra bản sắc và dấu ấn riêng của Kiên Giang. Quan tâm đầu tư và đầu tư có trọng điểm, tạo ra sự đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các thiết chế văn hóa, thể thao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình văn hóa trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân…
Trước đó, sáng 9-9, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến kiểm tra, khảo sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022 tại xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Nguyễn Hoa