Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 8/3/2012 10:57'(GMT+7)

Kiên quyết, kiên trì thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4

Đồng chí Hữu Thọ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Đồng chí Hữu Thọ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

 PV: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, thể hiện qua các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... Theo đồng chí, tại sao trong thời điểm này, Trung ương lại bàn và ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng?

Đồng chí Hữu Thọ: Thực tế lịch sử đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI không lâu, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) được tiến hành khi cả nước đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nhâm Thìn 2012. Mặc dù không khí Tết ngập tràn, nhưng chúng tôi và đông đảo nhân dân vẫn dõi theo từng hoạt động của Hội nghị và cảm thấy thực sự vui mừng khi nghe Diễn văn khai mạc, bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thông báo của Hội nghị.  

Có thể nói, đây là những phát biểu rất thẳng thắn, trung thực; không chỉ khẳng định những thành tựu to lớn của Đảng ta trong suốt chiều dài lịch sử, mà còn chỉ ra được những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém kéo dài dẫn đến suy giảm lòng tin trong nhân dân. Trong tình hình mới, với diễn biến chính trị, xã hội phức tạp, sự giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng là nỗi lo lắng của đông đảo đảng viên chúng tôi. Vì liên quan tới sự tồn vong của chế độ và của Đảng, Đảng ta cần phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Theo tôi, đó là những lý do để Đảng ta quyết định tổ chức Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); xác định 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay: Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Trong 3 vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định rõ, việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Vì sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là một số cán bộ có chức, có quyền là nguyên nhân quan trọng nhất, trực tiếp nhất làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và bộ máy Nhà nước.

Những nội dung được đưa ra bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) là sáng suốt và đúng đắn, phản ánh đúng thực tiễn và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

PV: Theo đồng chí, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) lần này có gì mới so với các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề ra trước đây ?

Đồng chí Hữu Thọ: Thực trạng đã rõ, những vấn đề cấp bách cũng đã rõ, nhưng điều chúng tôi quan tâm là những giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đề ra. Thông báo của Hội nghị đã nêu nhưng chưa cụ thể. Do đó, khi Nghị quyết Trung ương 4 công bố, dù đã rất cận Tết Nguyên đán của dân tộc, nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian đọc, nghiên cứu rất kỹ. Nghị quyết nêu lên bốn nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên; về tổ chức cán bộ và xây dựng Đảng; về cơ chế, chính sách; về giáo dục chính trị tư tưởng.

Nghiên cứu kỹ bốn nhóm giải pháp đó và theo dõi Chỉ thị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Bộ Chính trị, phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, tôi nhận thấy có nhiều điểm mới theo hướng mở rộng dân chủ, thực hiện “dân chủ rộng rãi” theo Di chúc của Bác Hồ; nhấn mạnh việc làm từ Trung ương trở xuống và nhiều biện pháp thực hiện giám sát quyền lực, cả ở cấp cao nhất, như: Vấn đề tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh thực hiện chất vấn trong Đảng, vấn đề kê khai tài sản...

Xung quanh vấn đề tổ chức, Nghị quyết cũng đặt ra, nếu 2 năm, cán bộ, đảng viên, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thì có thể cho thôi chức, mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc tới tuổi nghỉ hưu... Đó cũng là chủ trương mới, phù hợp.

Theo tôi, đây là những điểm mới quan trọng trong giải pháp mà Nghị quyết đã đưa ra và khẳng định.

PV: Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong đó, tập trung vào triển khai 4 nhóm giải pháp quan trọng. Theo đồng chí, để thực hiện được những giải pháp này, chúng ta phải làm gì?

Đồng chí Hữu Thọ: Nghị quyết Trung ương 4 lần này có nhiều điểm mới. Chỉ thị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu lên những nội dung cụ thể, kèm theo các kế hoạch thực hiện phê bình, tự phê bình; tiến tới đẩy mạnh thực hiện chất vấn trong Đảng... nhưng việc thực hiện, theo tôi không đơn giản. Ví dụ: Xung quanh vấn đề chất vấn, Điều lệ Đảng và Nghị quyết của Đảng cũng đã nêu phần chất vấn cả người cao nhất, đứng đầu Đảng và Nhà nước. Nhưng theo tôi, vấn đề là làm sao có thể khơi gợi được ý thức và năng lực cho đảng viên để họ trung thực, dũng cảm và hiểu biết để chất vấn Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư... Hay như vấn đề tổ chức, Nghị quyết quy định cán bộ, đảng viên nếu không hoàn thành nhiệm vụ liên tiếp trong 2 năm thì có thể cho thôi chức, nhưng muốn thế phải khắc phục bệnh hình thức, báo cáo không trung thực để có thể đánh giá đúng, khách quan cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là khi người đó lại là lãnh đạo, quản lý đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết Trung ương 4 đề ra rất nhiều giải pháp hay, nhưng theo chúng tôi, để thực hiện được cũng không phải trong một sớm một chiều. Theo tôi, để thực hiện hiệu quả, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp "chống và xây", "xây và chống", tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách trước. Các giải pháp này chỉ có thể thực hiện được khi trách nhiệm của mỗi người đảng viên được nâng cao; về cơ bản vẫn là khơi gợi được sự trung thực, sự chân thành của từng đảng viên, trước hết của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương, các đồng chí thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương nêu gương.

Trong các giải pháp có rất nhiều việc phải làm, đúng như đồng chí Tổng Bí thư phát biểu, có việc phải làm từng bước, có việc có thể làm ngay. Nội dung các giải pháp có nhiều, nhưng chúng tôi rất tán thành ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh việc rất quan trọng, cần làm ngay là thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, người đứng đầu. Trước hết, từng đồng chí Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

Công việc có nhiều, nhưng chọn việc khởi đầu là điều rất quan trọng trong tổ chức thực hiện. Nghiên cứu Nghị quyết Trung ương và các văn kiện trong Hội nghị cán bộ toàn quốc, chúng tôi mạo muội cho rằng, nên bắt đầu từ việc kiên trì tự phê bình nghiêm túc, thẳng thắn và chân thành trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong Ban Chấp hành Trung ương, “thực hiện thật dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng” như Chỉ thị của Bộ Chính trị. Cho nên, cần “chuẩn bị thật kỹ” như đồng chí Tổng Bí thư đã lưu ý, từ việc lấy ý kiến đóng góp, gợi ý theo hướng mở rộng đối tượng. Nếu làm tốt ở cấp Trung ương thì “đầu xuôi đuôi lọt”, còn không thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.

PV: Một trong những vấn đề nổi cộm và được dư luận quan tâm hiện nay là tệ nạn tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) cũng đề cập tới vấn đề cấp bách này. Theo đồng chí, để hạn chế và ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, chúng ta phải làm gì?

Đồng chí Hữu Thọ: Đấu tranh chống tham nhũng từ lâu đã được Đảng ta xác định là cuộc đấu tranh lâu dài và cam go. Để thực hiện có hiệu quả, cùng với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, cần có các giải pháp giám sát quyền lực và lòng tham của một số cán bộ, công chức.

Tham nhũng là bệnh của cán bộ, công chức thoái hoá, lợi dụng quyền lực. Cán bộ, đảng viên, có chức, có quyền mà có lòng tham, nếu không được giáo dục thì rất dễ sa vào tệ tham nhũng, trục lợi cá nhân. Để phòng và chống được vấn nạn này, chúng ta phải đẩy mạnh công tác kiểm tra và mở rộng hoạt động giám sát của nhân dân để giám sát những người được trao quyền.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng cũng như thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đề ra tuy khó khăn, gian nan nhưng tôi tin rằng, sẽ thành công và đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra, bởi nó phù hợp với nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, cho nên được đa số đảng viên và đông đảo nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng, chống sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng như thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và phải thực hiện kiên quyết, nhưng lại phải kiên trì, không chùn tay, không “đánh trống bỏ dùi”.

Theo CPV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất