Với quyết tâm vươn lên từ nội lực, Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh An Giang đã có những cách làm hiệu quả trong triển khai nghị quyết của Ðảng, tạo bước chuyển biến tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Xác định giải pháp trọng tâm
Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã thống nhất đề ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng nhằm phấn đấu đưa tỉnh An Giang phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội và đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2015, với mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,5%/năm. Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu, để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, sau đại hội, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo triển khai chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn; trong đó, đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tạo sự phát triển nhanh, bền vững cho nền kinh tế.
Tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biên giới; trong đó, xác định xuất khẩu là trọng tâm. Phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất lớn gắn với triển khai (nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp để phục vụ và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng phát triển thương mại, du lịch, kinh tế biên giới, các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường... Tập trung các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.
Song song đó, tỉnh tăng cường đổi mới và phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời, chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ðẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Xây dựng nông thôn mới". Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Giải quyết tốt các vấn đề về lao động và việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết tâm tăng cường công tác xây dựng Ðảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên; cùng với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Những kết quả bước đầu
Từ những nhóm giải pháp được đề ra sát với thực tiễn tình hình phát triển địa phương, tỉnh An Giang đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng những thành quả ban đầu hết sức thiết thực. Sau hơn một năm triển khai các nghị quyết đi vào cuộc sống, đời sống của nhân dân toàn tỉnh đã có bước chuyển biến đáng kể.
Với lĩnh vực nông nghiệp được xem là thế mạnh của tỉnh, An Giang quyết tâm đưa nông nghiệp đi vào chiều sâu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn kết người nông dân với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa, nông sản. Mô hình chuỗi giá trị hài hòa lợi ích, nhất là doanh nghiệp và nông dân; cùng chia sẻ rủi ro trong sản xuất lúa đã xuất hiện và triển khai thực hiện hiệu quả, tạo điển hình cả nước với mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" trên diện tích 1.000 ha ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn (do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang) và hơn 1.600 ha ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang) thực hiện. Chính quyền và nhân dân đã có sự đồng thuận hợp tác chặt chẽ. Các địa phương huy động sức đóng góp trong nhân dân hàng chục tỷ đồng xây dựng đê bao, trạm bơm điện phục vụ cho 145.400 ha đất sản xuất. Ðối với mặt hàng cá tra xuất khẩu cũng xuất hiện các hình thức hợp tác rất đáng chú ý; trong đó, mô hình chuỗi liên kết dọc do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An xây dựng là một cách tiếp cận phương pháp sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị cá tra, hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia; nhất là doanh nghiệp và người nuôi cùng với việc chia sẻ rủi ro trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế thị trường.
Các ngành, các cấp đã tích cực, sáng tạo triển khai thực hiện các giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn mang lại nhiều kết quả hết sức thiết thực. Trong đó, ở các lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn đã đạt được một số kết quả cụ thể đáng khích lệ. Các ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng, từng bước ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. Tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và một số xã điểm đạt, vượt tiến độ đề ra. Ðến nay, đề án xây dựng nông thôn mới ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố đều hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt. 100% số xã, thị trấn (136 xã, thị trấn) đã hoàn thành nội dung và được phê duyệt đề án.
Bằng cách làm mới, kiên quyết, sáng tạo và đồng bộ, vai trò vị trí lãnh đạo của Ðảng bộ ngày càng được khẳng định, lòng tin của nhân dân với Ðảng ngày càng giữ vững. Chất lượng tổ chức và đảng viên được nâng lên rõ rệt. Những thành quả đạt được sau hơn một năm đưa nghị quyết vào cuộc sống ở An Giang, không chỉ khẳng định sức mạnh đoàn kết, quyết tâm rất cao của Ðảng bộ và nhân dân mà đây chính là cơ sở và là tiền đề vững chắc, để An Giang vững bước phát triển trong những năm tiếp theo, xứng đáng là tỉnh trọng điểm kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Nhân dân