Trong hệ thống quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm về phát triển giáo dục và đào tạo có vị trí đặc biệt quan trọng. Đảng ta luôn khẳng định vai trò trung tâm, đặc biệt quan trọng của giáo dục và đào tạo trong công cuộc Đổi mới đất nước được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI là Đại hội của Đổi mới. Tại Đại hội này, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế - xã hội trong Báo cáo chính trị được thông qua tại Đại hội đã đề ra mục tiêu của giáo dục là “hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật, đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội”(1). Đại hội xác định “sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp” phải “trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội. Tổng kết kinh nghiệm thực hiện cải cách giáo dục, điều chỉnh, nâng cao chất lượng của cuộc cải cách này”(2). Đại hội cũng đã đưa ra yêu cầu về phát triển giáo dục là: “Phát triển có kế hoạch hệ thống giáo dục, từ giáo dục mầm non đến đại học và trên đại học, bảo đảm chất lượng và hiệu quả đào tạo”; “Kế hoạch phát triển giáo dục phải gắn bó với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và trong cả nước. Đầu tư đúng mức cho sự nghiệp giáo dục nhằm trước hết bảo đảm đủ sách giáo khoa và cơ sở cần thiết cho dạy và học. Ngoài ngân sách của nhà nước, cần quy định rõ sự đóng góp của các ngành và các địa phương, các tổ chức kinh tế, xã hội và các gia đình cho sự nghiệp giáo dục”(3).
Như vậy, quan điểm về đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI. Đây chính là cơ sở, tiền đề để Đảng ta ngày càng hoàn thiện hệ thống quan điểm, đồng thời là cơ sở để Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển giáo dục và đào tạo. Điều này đã được thể hiện cụ thể trong các văn kiện Đại hội Đảng, các văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và trong các văn kiện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa VII, VIII, IX, X cũng như trong chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của nước ta.
Tiếp tục các quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo, các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định một cách toàn diện và cụ thể hơn quan điểm và định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo để phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước và khắc phục những tồn tại, yếu kém trong thời gian vừa qua.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đưa ra định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ quá độ: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(4).
Với quan điểm phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu về giáo dục và đào tạo là “giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đến năm 2020, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; số sinh viên đạt 450 trên một vạn dân”(5). Để đạt được mục tiêu trên, trong khâu đột phá thứ hai, Chiến lược xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”(6). Chiến lược cũng đưa ra định hướng phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2020: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội”…; “Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(7).
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã xác định phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo là: “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”. Để thực hiện mục tiêu đó, Báo cáo cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hoá đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo...
Có thể nói, quan điểm và định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng được xác định trong các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là khá toàn diện và bao quát các vấn đề của giáo dục và đào tạo. Trong 10 năm tới, nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và ngành giáo dục - đào tạo là rất nặng nề để thực hiện thành công quan điểm, định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng. Trong đó, đổi mới công tác quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp và tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với giáo dục và đào tạo có vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định việc cụ thể hóa và đưa các quan điểm, định hướng của Đảng vào cuộc sống với những kết quả thực tiễn.
Trước hết, công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo trong thời gian tới cần đổi mới theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu đang đặt ra và phù hợp với phương thức quản lý công mới. Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải xem xét, thống nhất công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và dạy nghề về một hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục, đào tạo được giao cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo), còn hoạt động dạy nghề được giao cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội). Chính vì vậy, trong thực tiễn đã phát sinh nhiều bất cập, khó khăn trong quản lý như: hoạt động dạy và học tại các cơ sở dạy nghề; hoạt động phân luồng học sinh vào các cơ sở dạy nghề…
Nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế để đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cùng với việc giao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục. Hiện nay, về phân cấp trong công tác quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2004 quy định về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; về công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; về tự chủ trong giáo dục, đã có Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV. Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung, làm cho các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục còn nhiều lúng túng, khó khăn trong thực hiện, dẫn đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo thấp.
Cùng với việc giao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục, Nhà nước cần xác lập cơ chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo. Đây chính là động lực để phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, thúc đẩy sự phát triển chung của nền giáo dục và đào tạo.
Hai là, Nhà nước cần sớm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp thành cơ chế, chính sách cụ thể. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục. Mặc dù, trong nhiều năm qua, giáo dục và đào tạo được xác định là “quốc sách hàng đầu”, nhưng chế độ chính sách đối với những người trực tiếp thực hiện sự nghiệp này thì hoàn toàn chưa xứng đáng, thậm chí quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo không những gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao mà còn bị “chảy máu chất xám”. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần coi việc hoàn thiện chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp, đặc biệt quan tâm đến lực lượng hiện đang công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo làm nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết và làm động lực để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu thực tế và xu hướng tiến bộ trên thế giới. Nâng cao chất lượng đầu vào của các trường sư phạm cùng với việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hàng năm. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục. Khuyến khích giáo viên tham gia học tập, bồi dưỡng vượt chuẩn.
Ba là, Đảng và Nhà nước cần cụ thể hóa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai thực hiện quan điểm đổi mới toàn diện nền giáo dục và đào tạo đã được Đại hội XI xác định. Cấp ủy, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng, quyết định trong việc đưa các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Việc quy định trách nhiệm của từng cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện “công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục” phải theo hướng cụ thể, xác định rõ trách nhiệm tới từng cá nhân, tổ chức, đồng thời phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của từng cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện quan điểm, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, từng cấp ủy, chính quyền địa phương cần xác định đúng vai trò và dành sự quan tâm thỏa đáng cho giáo dục và đào tạo theo đúng quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.
Quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và ngày càng cụ thể, hoàn thiện để sát hợp với thực tiễn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta xác định cần đổi mới toàn diện nền giáo dục để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tiến trình phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Để thực hiện quan điểm đó, nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo trong những năm tới là hết sức nặng nề. Trong đó, Nhà nước cần ưu tiên và đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp và tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với giáo dục và đào tạo./.
BÙI NGỌC HIỀN
Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.Hồ Chí Minh
_______________________
(1) ĐCSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, 1987, tr.89
(2) Sđd, tr.89
(3) Sđd, tr.91
(4) ĐCSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H.2011, tr.77 (2)
(5) Sđd (2), tr.105
(6) Sđd (2), tr.106
(7) Sđd (2), tr.130, 131, 132